Không lo rác từ điện mặt trời mái nhà

(khoahocdoisong.vn) - Điện mặt trời mái nhà thời gian gần đây phát triển nóng. Liệu điện mặt trời mái nhà có trở thành rác sau khi không còn sử dụng, hệ lụy của việc phát triển quá nhanh điện mặt trời mái nhà trong thời gian gần đây… là những câu hỏi nhiều người quan tâm.

Sẽ được xử lý

Bà Trần Vũ Diễm Hằng, Cán bộ Chương trình Năng lượng Bền vững, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, Theo quyết định Số: 13/2020/QĐ-TTg “hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của bên mua điện”.

Từ bản đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam có thể thấy, chúng ta có tiềm năng về điện năng lượng mặt trời. Tại khu vực Hà Nội, cường độ bức xạ và tổng xạ không hề nhỏ. Khu vực Tây Bắc cũng có tiềm năng năng lượng mặt trời vào loại khá trong toàn quốc, nhất là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai…

Còn ở miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào, trừ những ngày có mưa rào, có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời cho sinh hoạt.

Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà có nhiều ưu điểm như nhanh hoàn vốn; Nhà nước không cần tiền đầu tư nguồn và đường dây truyền tải mà vẫn có điện; đối với hộ gia đình, điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, bảo vệ mái nhà, làm mát nhà…

Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn còn nhiều câu hỏi. Nhiều người lo ngại, điện mặt trời mái nhà có thành rác sau khi hệ thống không còn sử dụng.

Bà Trần Vũ Diễm Hằng cho biết, tấm quang điện có cấu tạo gồm khung nhôm, kính cường lực, lớp nhựa trong chịu nhiệt, lớp tế bào quang điện, lớp nhựa đệm, lớp chống bụi, nước, lớp đấu nối. Như vậy ngoài khung nhôm và hộp đấu nối, tấm quang điện  thường có 5 lớp. Trong số 5 lớp này, chỉ có lớp tế bào quang điện, dày khoảng 0,2mm, là có thể chứa những chất có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Còn những lớp khác là những vật liệu thông thường sử dụng hàng ngày là kính, nhựa, nhôm, không chứa chất độc hại.

Tấm tế bào quang điện nằm ở giữa, các lớp nhựa và kính bao quanh để bảo vệ lớp tế bào quang điện khỏi tác động ngoại lực và không cho nước và chất khí thấm vào bên trong, làm hỏng tế bào quang điện. Trong khi vận hành, nước và không khí chỉ tiếp xúc với kính, nhựa và nhôm. Vì vậy, có thể nói là khi sử dụng, tấm quang điện không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tấm quang điện khi hết hạn sử dụng sẽ được thu gom và tái chế như một số nước đã làm.

Cần có chính sách dài hơi

Một điều nữa khiến nhiều người lo ngại đối với điện mặt trời mái nhà tình trạng phát triển nóng của điện mặt trời mái nhà trong thời gian gần đây. Việc thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị lắp đặt, bảo hành… gây nhiều hoang mang.

Bà Trần Vũ Diễm Hằng cho biết, chính sách thúc đẩy điện mặt trời mái nhà trong những năm qua được ban hành có giá trị trong thời gian ngắn, không ổn định dẫn đến nhà đầu tư hoang mang, nhu cầu lắp đặt nối lưới ồ ạt để kịp thời hạn của giá FIT (giá ưu đãi), gây ra tình trạng cung không đáp ứng cầu, chất lượng không dược kiểm định, giá đầu tư tăng cao. Vì vậy, điều quan trọng lúc này là rất cần một chính sách dài hạn để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà.

Trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo người dân lựa chọn được sản phẩm chuẩn, đơn vị lắp đặt đảm bảo người dân cần có sự tìm hiểu. Hiện, mỗi đơn vị thi công điện mặt trời có năng lực, kinh nghiệm và tiêu chuẩn chất lượng riêng. Các công ty lớn còn có đội ngũ theo dõi giám sát hệ thống và đề xuất bảo trì bảo dưỡng định kỳ cho các hệ thống lớn để tăng tính hiệu quả của công trình. Vì thế, giá lắp điện mặt trời có thể khác nhau. Tuy vậy, tỷ lệ chi phí này không lớn, chỉ từ 5 - 15% đơn giá hệ thống. Do đó, người dân nên chọn các đơn vị có năng lực tốt, kinh nghiệm nhiều năm và đội ngũ lớn để có thể yên tâm về chất lượng và tuổi thọ của công trình.

 Những lưu ý khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà:

-    Mái nhà của hộ gia đình, doanh nghiệp có đủ chắc chắn cho việc đặt dàn cơ khí, tấm quang điện bên trên nó hay không?

-    Mặt bằng và diện tích mái có đủ điều kiện để lắp đặt hệ thống điện mặt trời hay không?

-    Hướng, góc của tấm quang điện  có hấp thụ bức xạ mặt trời tốt hay không?

-    Chất lượng lưới điện, đường dây truyền tải điện có phù hợp để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hay không?

-    Việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công lắp đặt đã được lựa chọn kỹ?

-    Có mua hệ thống bảo hiểm cho hệ thống?

-    Đừng quên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời? 

-    Cân nhắc tái đầu tư các thiết bị (như inverter) để đảm bảo hiệu suất tối đa của hệ thống?

-    Lựa chọn các tấm quang điện có dãn nhãn PV cycle để được hưởng chính sách thu hồi, tái chế sau khi hết thời gian sử dụng, đảm bảo vấn đề xử lý rác thải môi trường?

Theo Đời sống
back to top