Hỏi: Gần Tết tôi nghe nói người ta nhúng quả quýt vào thùng thuốc nhuộm cho có màu tươi đẹp, xin hỏi làm thế nào để phân biệt?
Trần Thu Loan (Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội): Quýt và các loại quả khác cùng nhóm như cam, bưởi, ở bên ngoài màng của vỏ có lớp sáp có tác dụng làm giảm thoát hơi nước từ trong ra và tạo độ bóng bên ngoài mặt vỏ. Tuy nhiên, ở quýt người ta hay đòi hỏi màu độc nhất, trong khi ở cam, người mua vẫn chọn quả có màu xanh, vàng hoặc lốm đốm. Do đó, quýt không bóng và đều màu sẽ khó bán. Trước tình trạng đó, các vựa trái cây áp dụng phương pháp nhuộm màu, với mục đích tạo màu đồng nhất và đẹp mắt cho quả để bán dễ hơn.
Tuy nhiên, phần lớn các loại phẩm màu để nhuộm vỏ hoa quả đều có đặc tính chung là tan được trong nước nên người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của thuốc nhuộm bằng cách rửa thật kỹ hoa quả dưới vòi nước. Đây cũng là cách hạn chế vi khuẩn bởi trái cây ngoài chợ rất nhiều bụi bẩn.
Người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng bởi hiện có nhiều cách để nhuộm màu cho hoa quả, thực phẩm. Trường hợp dùng sáp ong trộn với chất màu, dùng chitosan là loại phẩm màu từ vỏ tôm hay paraxin cũng là một chế phẩm an toàn, có tính kháng khuẩn, ức chế sự hoạt động của một số loại vi khuẩn như E.Coli, diệt được một số loại nấm hại và có tác dụng tốt trong bảo quản các loại rau quả có vỏ cứng bên ngoài. Người ta không dùng màu pha nước để nhuộm quả bởi bề mặt quả quýt, cam, quất có chất kháng nước, màu sẽ không được thấm đều. Nguy hại nhất là các chất màu công nghiệp. Do đó, chỉ nên mua ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh mua hàng quá rẻ, hàng bán vỉa hè, hàng rong…
Đăng Khoa