Không lo khan hiếm văcxin, lo tốc độ tiêm

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đã cấp phép cho 6 loại văcxin. Từ nay đến cuối năm số lượng văcxin về Việt Nam nhiều nên không quá lo lắng về vấn đề khan hiếm văcxin mà là tốc độ tiêm.

Nhiều tỉnh không đến lấy, không tiêm văcxin

Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại văcxin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tất cả các văcxin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trong đó, văcxin Covid-19 AstraZeneca Việt Nam đã nhận được 8.716.290 liều sau 15 đợt giao; Văcxin Sutnik V Việt Nam nhận được 12.000 liều; Văcxin Sinopharm là 1.500.000 liều; Văcxin Comirnaty của Pfizer/BioNTech 746.460 liều; Văcxin  Moderna 5.000.100 liều; Văcxin Janssen đã được cấp phép nhưng chưa tiếp nhận.

Kho văcxin tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Kho văcxin tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Như vậy, tính đến ngày 2/8, số lượng văcxin Covid -19 đã tiếp về Việt Nam là khoảng 16 triệu liều, số đã phân bổ là trên 10 triệu liều. Trong đó, TPHCM là địa phương nhận nhiều văcxin nhất với khoảng 3 triệu liều. Hà Nội được cấp 2 triệu liều. Các địa phương khác phân bổ từ vài chục đến vài trăm nghìn liều. Tính đến sáng 3/8 tổng số liều văcxin đã được tiêm là 6.959.197 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.246.333 liều, tiêm mũi 2 là 712.864 liều.

Theo thông báo của Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm văcxin Covid-19 mới chỉ đạt 40%. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải tăng tốc độ tiêm văcxin. Hiện tình trạng tiêm còn chậm. Có tỉnh để văcxin tại kho trung ương, không đến lấy, không tiêm. Có nơi thì tiêm quá thận trọng, chỉ tiêm ở bệnh viện. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tiêm nhanh nhất có thể bởi từ tháng 10 - 12, văcxin sẽ về rất nhiều, riêng Pfizer có thêm 47 - 50 triệu liều.

Vì vậy, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương, viện rà soát, báo cáo cụ thể các đợt đã tiếp nhận văcxin ngừa Covid -19, việc triển khai tiêm, các vướng mắc trước ngày 8/8. Các đợt phân bổ văcxin tiếp theo phải báo cáo chậm nhất 5 ngày sau khi kết thúc đợt tiêm chủng.

Không nên lựa chọn văcxin: Khó biết loại nào tốt hơn loại nào

Hiện nhiều người có tâm lý lựa chọn văcxin. Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, người dân không chọn loại văcxin để tiêm chủng vì sẽ dẫn tới khó khăn cho nhà quản lý và bản thân người dân không được bảo vệ. Các văcxin về Việt Nam đều có hiệu quả bảo vệ cao.

Tổ chức tiêm tại TPHCM.

Tổ chức tiêm tại TPHCM.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Úc cho biết, không thể so sánh hiệu quả văcxin. Lý do không thể so sánh giữa các con số về hiệu quả cộng đồng thì nhiều, nhưng tựu trung lại là 3 lý do chính như sau:

Khác quần thể: Mỗi văcxin được triển khai một quần thể khác nhau, ví dụ như Chile khác với quần thể bên Anh và Do Thái, những nơi có hệ thống y tế rất khác nhau và hệ thống báo cáo cũng khác nhau. Do đó, các con số không thể so sánh trực tiếp được.

Hiệu quả văcxin: Cái gọi là "hiệu quả văcxin" không chỉ phản ảnh tác động của văcxin, mà còn các biện pháp giãn cách xã hội. Hầu như ở bất cứ nước nào, triển khai tiêm chủng văcxin đều đi kèm theo các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí lockdown. Thành ra, con số đơn giản đó không cho chúng ta biết có thật sự là do văcxin hay do giãn cách xã hội, hay cả hai. Nhưng vì mỗi nơi có chính sách và quy định giãn cách xã hội khác nhau, nên các con số không thể so sánh trực tiếp được.

Định nghĩa về ca nhiễm và tử vong cũng khác nhau giữa các nước: “Số ca nhiễm” ở đây thật ra đa số là số ca dương tính xét nghiệm PCR (ở Chile) nhưng ở Anh thì còn thêm cả xét nghiệm xác định. Ngay cả định nghĩa thế nào là tử vong vì Covid-19 cũng rất khác nhau giữa các nước. Do đó, con số hiệu quả giảm tử vong ở Chile (86%) hoàn toàn không có nghĩa là văcxin của Sinovac tốt hơn Pfizer (72%)...

Các chuyên gia cho biết, mục tiêu của tiêm văcxin là tạo ra một cộng đồng miễn dịch. Vì vậy, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân hãy đi tiêm văcxin.  

Theo Đời sống
back to top