Không được phê bình học sinh trước lớp: Tước bỏ quyền của giáo viên?

(khoahocdoisong.vn) - Thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, của nhà trường.

Phản ánh tới Báo, thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết, một số thông tư mới của Bộ GD&ĐT ban hành gần đây đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp, tạo nên nhiều sự băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc của đông đảo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và dư luận xã hội.

Cụ thể, đối với thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có 2 nội dung chưa ổn, đó là không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, và cho phép học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho học tập trong giờ học.

Không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường là "không thực tế"

Thầy giáo Trần Trung Hiếu cho biết, về xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, Trong Khoản 2, Điều 42, Thông tư số 12/2011/TT-BGDDT (gọi tắt là Thông tư 12 của Bộ GD&ĐT) quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT thì không còn nội dung giáo viên được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Ông Hiếu cho rằng, đó là điều rất không thực tế. Trong cuộc sống ở mọi ngành nghề, lĩnh vực cũng như trong giảng dạy và giáo dục đều luôn phải duy trì 2 yếu tố “pháp trị” và “đức trị”. Khen thưởng khi có ưu điểm, thành tích đồng thời cũng cần có phê bình, kỷ luật khi vi phạm kỷ cương, kỷ luật.

Học sinh trong thời của 4.0 có quá nhiều thú để vui, có nhiều trò để mê, có nhiều thứ để nghiện dẫn đến những tác động vào việc học hành, thi cử. Cách ứng xử, hành xử giữa trò với thầy ngày nay đã có nhiều sự thay đổi so với các thế hệ chúng ta ngày trước.

Ở lứa tuổi học trò, việc vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường là chuyện vẫn diễn ra hằng ngày. Từ việc ngồi học trong lớp không tập trung, nói chuyện riêng, làm việc riêng, lười học bài cũ và làm bài tập, tác phong nói năng, ăn mặc, đi đứng "hồn nhiên" theo lứa tuổi... Những lúc như vậy, cần có sự nhắc nhở, phê bình của người lớn, của cha mẹ, thầy cô để giúp các em nhận thức được đúng - sai mà sửa.

Bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào, dù văn minh hay kém phát triển, một xã hội mà không còn sự nhắc nhở, phê bình hay xử lý kỷ luật là thì xã hội sẽ không còn kỷ cương, phép nước.

Việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, của nhà trường và có thể tạo cơ hội cho cách hành xử theo kiểu “dân chủ quá trớn” của học sinh với giáo viên, tạo tiền lệ nguy hiểm cho nhiều hành vi học sinh xem thường giáo viên.

Một điều đáng lo ngại nữa là khi đối mặt với những học sinh cá biệt có những biểu hiện như vậy, nếu giáo viên hành xử thiếu đi sự tinh tế và cẩn trọng thì chính những giáo viên có trách nhiệm đó lại đón nhận sự chỉ trích dữ dội từ báo chí, mạng xã hội, của phụ huynh học sinh và các hình thức kỷ luật của ngành.

Ông Hiếu cho biết, là một giáo viên, ông luôn phản đối các đồng nghiệp của mình mạt sát, chửi bới hoặc đánh đập học trò sai phạm, nhưng cũng không đồng thuận việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi các em sai phạm. Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào của thầy cô để các em tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ.

Giáo dục là cả một nghệ thuật, không có một công thức chung cho tất cả mọi học sinh. Có nhiều học sinh thì nhờ sự động viên, khích lệ, khen thưởng mà tiến bộ nhanh và trưởng thành. Có những học sinh mà nhờ thầy cô tận tâm, trách nhiệm và nghiêm khắc, nhờ phê bình và kỷ luật mà trưởng thành. Điều quan trọng mà mỗi thầy cô giáo phải tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể phụ thuộc vào những đối tượng học sinh cụ thể mà ứng xử cho phù hợp. Một nền giáo dục phát triển phải là một nền giáo dục có kỷ cương, kỷ luật và tình thương, trách nhiệm.

Cho học sinh sử dụng điện thoại tiềm ẩn nhiều bất cập

Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020), ở Chương V, Tiểu mục 4, Điều 37 ghi các hành vi học sinh không được làm, trong đó “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Theo ông Hiếu, những giải thích của những người có trách nhiệm liên quan đến nội dung của Thông tư này trên các phương tiện truyền thông là không thuyết phục.

Thực tế, chỉ có giáo viên phổ thông mới thật sự thấu hiểu việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại là ổn hay không ổn, lợi hay hại. Chỉ có các bậc phụ huynh có con đang học THCS, THPT hiện nay mới thấy rõ sự tai hại của việc này.

Trong thời kỳ bùng nổ của cách mạng khoa học kỹ thuật và thông tin hiện nay, điện thoại thông minh có chức năng kết nối mạng giúp chúng ta tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn bất kỳ các phương tiện thông tin khác. Tuy nhiên, việc cho học sinh mang điện thoại di động vào sử dụng trong các tiết học (được sự cho phép của giáo viên) là một chủ trương bất ổn, tiềm ẩn nhiều bất cập.

Bởi lẽ, một giáo viên dạy trong 1 lớp học từ 30 đến 40 em không bao giờ có thể kiểm soát được việc các em đang dùng điện thoại có đúng mục đích trong giờ học hay không.

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ dễ dẫn đến tình trạng thầy giảng một mình trên bục giảng, còn ở dưới lớp thì trò mải mê vào điện thoại.

Và một điều nguy hiểm, thầy cô mất kiểm soát ở trường và về nhà, bố mẹ cũng sẽ không thể giám sát và kiểm soát con em mình dùng điện thoại cho các lý do, mục đích nào.

“Với góc độ là một giáo viên phổ thông đang trực tiếp làm công tác giảng dạy, tôi cho rằng, khi một thông tư, văn bản sắp ban hành hay vừa ban hành mà đã vấp phải sự phản ứng, phản biện của nhiều người thì các cơ quan soạn thảo và ban hành cần xem lại. Chắc chắn sẽ có vấn đề”, thầy giáo Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Theo Theo KH&ĐS
back to top