Không được ép mua sách tham khảo: Quy định “cứng” nhưng lại có “áp lực mềm”

(khoahocdoisong.vn) - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường không được ép phụ huynh, học sinh mua tài liệu tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng quy định “cứng” là vậy, lại có những “áp lực mềm” làm khó phụ huynh.

Không được ép buộc phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường Tiểu học thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT.

Trong thông tư có nội dung quy định về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong trường tiểu học, trong đó, sự minh bạch, công khai, không ép buộc được nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với SGK, cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết.

Đối với sách tham khảo, nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ GD&ĐT, thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng trường tiểu học. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã  ký văn bản gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo văn bản này, việc sử dụng tài liệu tham khảo trong nhà trường thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học.

Trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu sở GD&ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Áp lực mềm”

Theo các thông tư, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT có thể thấy, các nhà trường tuyệt đối không được ép buộc phụ huynh và học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS, việc các học sinh mua phải mua sách tham khảo ngoài sách giáo khoa không phải hiếm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mà phụ huynh không lên tiếng hoặc không dám lên tiếng.

Lý do đầu tiên, là các bậc phụ huynh không phân biệt được đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo. Trong khi, nhà trường không hề nói rõ cho phụ huynh biết về điều này.

“Tôi chỉ thấy cô giáo gửi trong nhóm của lớp những sách cần phải mua cho con, tôi cứ nghĩ tất cả đều là sách giáo khoa, cần cả, nên đăng ký thôi. Về sau tôi mới biết, nhiều sách thuộc về sách tham khảo, bổ trợ”, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ.

Lý do thứ hai, là phụ huynh sợ con sẽ không theo được các bạn nếu như không có sách.

Một phụ huynh cho biết, ví dụ như quyển Thực hành tiếng Việt lớp 1, nếu như không mua, thì con cũng có thể viết vào vở ô ly. Hoặc bài tập Toán  cũng vậy. Nhưng cô có giải thích là lớp 1 chưa biết viết, nếu tự để các con viết thì sẽ chậm. Trong khi các bạn khác đều mua hết thì cũng mua cho con, không nỡ để con thua thiệt.

Lý do thứ ba, là “ngại” với cô giáo. Khi cô giáo hỏi ý kiến phụ huynh cả lớp về việc mua sách giáo khoa, nếu không đăng ký hoặc có ý kiến khác, lại sợ giáo viên sẽ “mất cảm tình”, không có lợi cho con mình trong quá trình học. Cho nên, miễn cưỡng đăng ký. 

Như vậy, có thể thấy, dù quy định của Bộ GD&ĐT cấm các cơ sở giáo dục ép buộc phụ huynh và học sinh mua sách tham khảo, nhưng có những “áp lực mềm”, không nằm trong quy định khiến thị trường sách tham khảo vẫn sôi động và “nhập nhèm” trong các trường học.

Theo nhiều giáo viên, để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT cần có một chế tài nghiêm khắc và quy định chi tiết hơn về việc sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.

Ví dụ, theo các thông tư, đều khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ở một số trường, ở buổi học thứ 2, học sinh sẽ học theo sách tham khảo, học sinh mở sách và làm trực tiếp trong sách. Như vậy, sẽ có những “áp lực mềm” khiến cha mẹ không thể không mua sách cho con. Cho nên, cần có những quy định chi tiết hơn về việc này: Học sinh có sử dụng sách tham khảo ở trên lớp hay không? Nhà trường có được phân phối sách tham khảo hay không? Nếu để xảy ra việc "nhập nhèm", việc kỷ luật đối với người đứng đầu sẽ như thế nào...

Theo cô giáo Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Hà Nội, các tiết học buổi chiều sẽ là giờ hướng dẫn hoàn thành bài tập cho những học sinh chưa kịp hoàn thành buổi sáng. Còn đối với những học sinh đã hoàn thành rồi, cô giáo có thể giao bài tập khó hơn. Nhưng cô giáo viết lên bảng bài tập, và học sinh chép, làm vào vở. Tuyệt đối không có chuyện bắt học sinh phải mua sách tham khảo. Việc phụ huynh mua sách tham khảo hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, cô giáo có thể là người tư vấn. Còn trên lớp, cô giáo vẫn phải soạn giáo án đúng quy định.

Theo Đời sống
back to top