Cloramin B “cháy hàng”
Diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp. Để phòng bệnh, các mặt hàng vật tư y tế luôn được người dân ưu tiên mua sắm đầu tiên. Sau khẩu trang, dung dịch sát khuẩn nhanh cũng “cháy hàng”, giá tăng thì đến lượt hóa chất tẩy rửa, vệ sinh sàn nhà như Cloramin B ... cũng khan hàng, tăng giá. Trên các sàn buôn bán trực tuyến (Sendo, Shopee, Lazada, Zalo, đặc biệt là Facebook), sản phẩm Chloramin B được chào bán rất đa dạng. Chỗ nào cũng quảng cáo hàng tốt 100%, hàng chuẩn từ nhà máy, các nước châu Âu, Nhật Bản... Một câu hỏi đặt ra, cũng cùng là bán mặt hàng Cloramin B, giá bán tại Shopee lại dao động ở mức 99.000 đồng/kg cho đến 600.000 đồng/kg tùy loại. Theo quảng cáo thì loại Cloramin B của Tiệp, của Cộng hòa Séc, có giá 600.000 đồng/kg. Loại khác không có nguồn gốc, nhãn mác thì chỉ có giá 79.000 đồng/kg, nhiều loại khác cũng ở nhiều mức giá khác nhau như 87.000 đồng/kg, 125.000 đồng/kg… đều có tính năng diệt khuẩn. Nhưng chất lượng và độ an toàn cũng như nguồn gốc lại không một cơ quan nào thẩm định, đảm bảo.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Chloramin B được dùng để khử khuẩn trong y tế, người dân tự mua về dùng nên chú ý đến nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tránh nhiễm độc. Tuy nhiên, việc sử dụng Chloramin B phun khử khuẩn trong các hộ gia đình có rất ít tác dụng phòng dịch Covid-19. Chloramin B chỉ dùng để phun khử trùng các khu vực đã có người nhiễm khuẩn, khu vực cộng đồng rộng lớn. Trường hợp gia đình có người mắc bệnh nan y dễ lây nhiễm thì cũng có thể dùng để phun khử khuẩn. Còn nếu bình thường, không nằm ở khu vực lây nhiễm, không có người dương tính với Covid-19… thì không nên sử dụng. Bởi Chloramin B chỉ diệt vi khuẩn chứ ít có khả năng diệt virus, trong khi đó việc hít phải Chloramin B lại không có lợi cho sức khỏe.
Chất lượng của Chloramin B phụ thuộc vào độ tinh khiết. Sản phẩm càng rẻ thì độ tinh khiết càng thấp, tạp chất cao. Khi sử dụng sản phẩm trôi nổi, chúng không có khả năng phòng ngừa Covid-19 mà còn rất độc khi tiếp xúc.
Diệt khuẩn đơn giản bằng nước lau sàn, rượu
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, thành phần chính của hoá chất phun khử khuẩn là Cloramin B, đây là loại thuốc được ưu tiên hàng đầu trong việc diệt khuẩn. Khi sử dụng loại thuốc này phải đeo găng tay bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với da. Thuốc này có mùi hôi rất khó chịu, làm khô họng người hít phải. Phun khử khuẩn có nguyên tắc là phun ở những nơi không có người. Đặc biệt, những nơi được xác định là có nguồn vi khuẩn, virus, có nguy cơ cao gây dịch như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai mới được chỉ định phun khử khuẩn chứ không phải sử dụng vô tội vạ.
PGS.TS Phạm Văn Nho khuyên, thời gian ở nhà chống dịch, nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên bằng dung dịch lau sàn nhà cũng có tác dụng phòng bệnh rất tốt. Dung dịch lau sàn nhà thông thường có thể làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ, tạo ra môi trường sạch sẽ để virus nếu có sẽ không tồn tại được. Để diệt khuẩn, diệt virus có thể dùng cồn etylic (không dùng cồn ethanol) cho vào bình xịt rồi phun vào các vị trí như bàn ghế, tay nắm cửa, tường, sàn nhà… Cồn nhạy cảm với virus hơn Chloramin B do chúng có thể hòa tan lớp bảo vệ của virus làm cho chúng bị chết. Việc rửa tay bằng xà phòng cũng nên được thực hiện thường xuyên bởi xà phòng có tính năng diệt khuẩn khá tốt.
Người dân không nên quá hoảng loạn để lùng tìm các chất diệt khuẩn về dùng. Việc phòng chống nhiễm bệnh bằng các biện pháp đơn giản theo khuyến cáo của Bộ Y tế là đủ để bảo vệ sức khỏe vượt qua mùa dịch bệnh”, PGS.TS Phạm Văn Nho.
Bảo Khánh