<div> <p>Chiều 11/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì họp giao ban công tác phòng chống dịch COVID-19. Tại phiên họp, 5 đoàn kiểm tra của thành phố đã báo cáo về tình hình thực hiện các biện pháp phòng dịch thực tế ở cơ sở. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 cho biết, qua kiểm tra, các khu tập thể thao công cộng hầu như người dân không đeo khẩu trang, không có ai quản lý, kiểm tra.</p> <p>“Trách nhiệm của ban quản lý các chợ, chung cư, bến xe cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm việc bắt buộc đeo khẩu trang; thực tế cho thấy còn thiếu trách nhiệm. Các quận huyện, xã phường báo cáo các số liệu là từ giai đoạn trước. Cần cập nhật, đôn đốc nhắc nhở việc xử phạt nghiêm các vi phạm”, ông Hiền nói. Đoàn kiểm tra số 2 phản ánh, ở phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, ở thời điểm kiểm tra đột xuất vào Chủ nhật vừa qua, người dân hầu hết đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát của lực lượng chức năng lại bỏ ra.</p> <p>Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, tháng 11 là tháng khuyến mại của Hà Nội nên người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị rất đông. Sở đã chỉ đạo từ chợ đến các trung tâm thương mại, siêu thị phải bố trí người đo thân nhiệt, nhắc nhở người đeo khẩu trang. Trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện tương đối nghiêm túc.</p> <p>“Các chợ thì chưa quyết liệt. Các quận huyện cần nhắc nhở để thực hiện nghiêm túc đưa vào nề nếp việc đeo khẩu trang”, bà Lan đề xuất.</p> <p>Đại diện huyện Gia Lâm báo cáo, chỉ có khoảng 10% người dân đeo khẩu trang tại các chợ. “Phải bố trí người đứng ở ngay cổng chợ, ai không đeo khẩu trang thì nhất định không cho vào”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu.</p> <p>Tại phiên họp, chuyên gia Trần Đắc Phu đánh giá cao việc Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhất là việc đeo khẩu trang. Ông Phu lưu ý, bối cảnh hiện nay giống như sau đợt dịch số 1 khi mùa đông đang đến, đang nới lỏng các giải pháp...khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất là khi câu hỏi trong cộng đồng hiện nay còn mầm bệnh hay không chưa thể trả lời được. Ông Phu đề xuất thỉnh thoảng cần lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở các khoa có bệnh nhân nặng tại bệnh viện để chủ động phòng ngừa…</p> <p>“Hiện nay hàng trăm hãng trên thế giới đang sản xuất vắc xin và đang thử nghiệm. Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi về việc miễn dịch kéo dài được bao lâu. Giá vắc xin và việc nhập khẩu vào Việt Nam còn khó khăn. Trong nước có 4 nơi đặt vấn đề sản xuất vắc xin. Có đơn vị đã thử nghiệm trên chuột, chuẩn bị xin thử nghiệm trên người; đơn vị khác đang thử nghiệm trên khỉ. Cuối năm 2021, đầu năm 2022 may ra mới có vắc xin. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang”, ông Phu nêu.</p> <p class="article-author cms-author"> </p> </div>