Không để tình trạng Hội đồng thẩm định SGK "khuyến nghị" nhưng không sửa

(khoahocdoisong.vn) - Sách giáo khoa lớp 6 đang thẩm định vòng hai. Rút kinh nghiệm từ sự cố đối với sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, sẽ không để tồn tại tình trạng hội đồng thẩm định khuyến nghị nhưng tác giả không sửa.

Bộ GD&ĐT đang thẩm định để lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới lớp 2 và lớp 6 nhằm tiếp nối triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT có tổng số 33 bản mẫu sách giáo khoa/9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về đề nghị thẩm định. Riêng môn tiếng Việt nhận được sự quan tâm của dư luận có 3 bản mẫu. Được biết, kết thúc đợt 1 thẩm định sách giáo khoa lớp 2, không có bản thảo môn Tiếng Việt nào được xác nhận là "Đạt".

Theo thông tư 23/2020/TT-BGDĐT thì các đơn vị biên soạn SGK "không đạt" hoặc "đạt nhưng cần chỉnh sửa" nếu vẫn có nhu cầu biên soạn cần phải chỉnh sửa thì gửi bản thảo về để thẩm định lại như đợt 1. Trong trường hợp không có bản mẫu SGK nào tham gia thẩm định hoặc kết quả thẩm định không đạt ở cả 2 đợt, Bộ sẽ chịu trách nhiệm biên soạn để đảm bảo học sinh không thiếu SGK nào.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng hội đồng thẩm định khuyến nghị nhưng tác giả biên soạn không chỉnh sửa diễn ra như SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, thông tư cũng nêu rõ tác giả cần chỉnh sửa trong thời gian 30 ngày kể từ khi hội đồng thông báo SGK "đạt nhưng cần chỉnh sửa". Rút kinh nghiệm từ vấn đề bộ SGK của nhóm Cánh Diều, Bộ GD&ĐT hội đồng thẩm định và tác giả biên soạn phải tăng cường việc thảo luận, tranh luận để có hướng giải quyết thấu đáo vấn đề.

Đối với SGK lớp 6, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, kết thúc vòng 1 thẩm định SGK lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 4 cuốn SGK của môn Tin học không đạt. Có 40 cuốn sách lớp 6 được tiếp tục thẩm định ở vòng 2. 

Việc giám sát thực nghiệm cũng được Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trước đây việc này giao cho các nhà xuất bản biên soạn SGK chủ động làm. Nhưng tới đây bộ sẽ giám sát việc này. 

Theo đó, ngoài nội dung được chọn dạy thực nghiệm tại các trường, một nội dung bắt buộc các nhóm biên soạn phải làm là lấy ý kiến của các trường về toàn bộ nội dung SGK sau khi đã hoàn thiện.

Khi những bất cập ở SGK lớp 1 được dư luận đề cập, Bộ GD&ĐT đang trong thời kỳ triển khai thẩm định SGK lớp 2, lớp 6. Điều này có nghĩa không thể kịp "rút kinh nghiệm" trong khâu thực nghiệm trong và sau khi biên soạn SGK; mặc dù theo quy định, hồ sơ gửi thẩm định đối với một SGK có thuyết minh về phần thực nghiệm, nêu rõ tỉ lệ nội dung đã thực nghiệm, thực nghiệm ở đâu, thời gian bao lâu... 

Theo Đời sống
back to top