Bỏng vì để bật lửa trong túi quần
Ngày 13/10/2017, ông Đ.Q.B. (53 tuổi, ngụ tại TPHCM) được người thân đưa đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu trong tình trạng bị bỏng 20% vùng hạ bộ tập trung ở bộ phận sinh dục, đùi, bụng. Thời điểm vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sốc tâm lý, đau đớn dữ dội.
Khai thác bệnh sử từ bác sĩ ghi nhận, trước đó khoảng 3 tiếng, ông Q. B. ngồi uống cà phê với bạn. Hút thuốc đã nhiều năm nên ông luôn mang theo bật lửa bên mình. Sau khi lấy chiếc bật lửa mồi thuốc lá, ông cất lại vào túi quần. Ngồi thưởng thức cảm giác “phê” của khói thuốc, bệnh nhân co gối, đặt tay lên dùi thì bất ngờ chiếc quần phát hỏa ở vùng hạ bộ.
Các bác sỹ nhận định, nguyên nhân bị bỏng của người bệnh có thể là do chiếc bật lửa trong túi quần bị chèn ép gây rò gas khi gặp lửa từ điếu thuốc bệnh nhân đang hút đã phát hỏa. Trước đó, đầu năm 2016, trong lúc mồi thuốc lá, anh Nguyễn Khắc Hưng (22 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bất ngờ bị chiếc bật lửa gas nổ tung làm tét bàn tay phải. Theo như chia sẻ, rất may chiếc bật lửa này còn ít gas nếu không chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Được biết, chiếc bật lửa này được anh mua từ một người bán hàng rong.
ThS Trần Thắm, Trưởng phòng thử nghiệm hóa chất & vật liệu, Trung tâm phụ gia dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, không phải tất cả bật lửa gas đều phát nổ. Chỉ những sản phẩm lỗi, vỏ nhựa bị nứt, vỡ hoặc để trong điều kiện nhiệt độ quá cao mới dẫn đến rủi ro này.
Điều cần cảnh báo là những người thường xuyên hút thuốc hay đem theo bật lửa gas trong người. Có thể do áp lực tì đè, do va đập khiến gas trong bật lửa bị rò rỉ. Khí gas thoát ra môi trường xung quanh (có khí oxy), gặp môi trường nhiệt độ đủ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ) có thể gây hiện tượng cháy nổ, gây hại cho người sử dụng.
Sử dụng bật lửa gas an toàn
Theo ThS Trần Thắm, bật lửa gas chỉ phát nổ trong một số điều kiện nhất định như vừa nêu. Do đó, để đảm bảo an toàn thì không được để bật lửa gas trong người. Vì khi ở trong túi, ta không kiểm soát được việc bật lửa có bị nứt không, có bị rò rỉ gas không. Đặc biệt là nếu để trong túi quần, khi ngồi, áp lực đè vào bật lửa sẽ làm cho nứt, vỡ lớp nhựa bên ngoài khiến gas có thể rò rỉ ra ngoài.
Rồi có những người quan niệm rằng trong túi xách lúc nào cũng phải đem theo bật lửa. Thế là khi để túi xách vào cốp xe, nhiệt độ trong cốp nóng lên, có thể làm cháy luôn cả chiếc xe máy chứ không chỉ gây bỏng thông thường cho người sử dụng.
“Tuy vậy cũng phải hiểu bản thân chiếc bật lửa nếu sử dụng đúng cách, đúng với khuyến cáo thì không phải là vấn đề lớn. Không nên đánh đồng quan niệm cứ bật lửa gas là mất an toàn, mà nên có những lưu ý trong quá trình sử dụng, tránh những rủi ro đáng tiếc”, ThS Trần Thắm cho biết.
Theo ThS Trần Thắm, để phòng tránh cháy nổ từ bật lửa gas, phải tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng như không bao giờ để vật chứa các chất cháy, đặc biệt là chất dễ cháy như xăng, gas ở nơi có nhiệt độ cao (lò lửa, tia nắng mặt trời trực tiếp…) hay gần các thiết bị điện, điện tử (đang hoạt động hoặc có điện). Không dùng một chiếc bật lửa quá lâu.
Nên kiểm tra thường xuyên phần vỏ bật lửa, các bộ phận van, nút bật… nếu thấy có các dấu hiệu như nứt, lỏng lẻo, gỉ sét… thì phải bỏ ngay. Nhiều gia đình để nhiều chiếc bật lửa gas trong nhà, đặc biệt là trên bàn thờ, cũng phải được kiểm tra thường xuyên, tránh gây cháy nổ. Nếu nhà có trẻ em thì không sử dụng bật lửa trong tầm với của trẻ, tránh trường hợp trẻ cắn, đập bật lửa, gây cháy nổ.
“Không để bật lửa gas gần những đồ vật dễ cháy như để trên giường, đệm, ghế salon, giá sách… Nếu ngửi bật lửa mà có mùi hắc hắc của gas thì phải xử lý vứt bỏ ngay”, ThS Trần Thắm.
Bảo Khánh