Không có triệu chứng vẫn dính viêm gan B

(khoahocdoisong.vn) - Viêm gan B có thể xuất hiện nhiều triệu chứng cùng một lúc nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì, hoặc triệu chứng giống với các bệnh thông thường khác khiến người bệnh không nhận ra. Đến khi phát hiện thì đã biến chứng xơ gan hay ung thư gan.

Sát thủ thầm lặng

Được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”, viêm gan B âm thầm tấn công phá hủy gan mà không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt nào. Bệnh nhân Vàng A Súa (21 tuổi) tại Điện Biên từng cấp cứu viêm gan B trong tình trạng nguy kịch cho biết: “Trước đó 1 năm em từng bị đau bụng đi ngoài nhiều, em cũng chỉ tưởng là bị đau bụng và uống thuốc tiêu hoá. Suốt từ đó em sút cân. Và cho đến khi mệt lả cấp cứu thì lúc đấy em mới hay là mình đã mắc viêm gan B từ lâu.”

Anh Lê Văn Lành (Kiên Giang) đi khám sức khỏe để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc thì mới hay mình đang mắc viêm gan B thể hoạt động (là trạng thái virus viêm gan B đang nhân lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ).

Phần lớn các trường hợp đều đang khoẻ mạnh, bình thường, không nghi ngờ mình đang bị viêm gan B, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang ở mức báo động ở nước ta. Nguy hiểm hơn nữa là những trường hợp người lành mang virus, tức là virus ở trạng thái “ngủ” trong cơ thể, không nhân lên, không hoạt động nên gần như không có gì bất thường về sức khoẻ. 

Chính vì vậy, họ dễ mang tâm lý chủ quan và có thói quen sinh hoạt, ăn uống vô tình gây hại cho gan, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Khi gan yếu, hệ miễn dịch giảm sút thì đồng nghĩa virus viêm gan B có thể hoạt động bất kể lúc nào và âm thầm gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vì thế có không ít trường hợp khi đã phát hiện ra thì bệnh đã ở thể nặng, thậm chí đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hay ung thư gan. 

Sàng lọc viêm gan B là điều nhất định phải làm với bất kì ai

Để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là chủng ngừa. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh viêm gan B trong vòng 12 giờ sau sinh. Với người lớn, trước khi tiêm văcxin, cần làm xét nghiệm xác định xem mình mang virus viêm gan B hay không và nếu chưa từng mắc, cần tiêm đủ liệu trình 4 mũi văcxin cho đủ lượng kháng thể để đảm bảo không bị lây nhiễm.

Với trường hợp đã tiêm phòng văcxin viêm gan B nhưng sau 10-15 năm cần kiểm tra lại còn kháng virus không bằng cách xét nghiệm anti-HbsAg. Nếu đã hết cần tiêm lại. Việc xét nghiệm này diễn ra rất đơn giản và nhanh chóng tại các cơ sở y tế.

Viêm gan B sẽ không quá nguy hiểm nếu như chúng ta có hiểu biết đúng đắn về bệnh và biết cách chăm sóc, sinh hoạt lành mạnh, kiên trì điều trị. Người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh trong nhiều năm, thậm chí vẫn có thể tham gia lao động bình thường và sống thọ.

Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể nhanh giảm sút sức đề kháng, hệ miễn dịch suy kiệt, là nguyên nhân hàng đầu gây men gan cao, xơ gan và ung thư gan. Đặc biệt, khi mắc viêm gan B, người bệnh sẽ bị hạn chế nhiều trong cuộc sống.

Hạn chế về nghề nghiệp, không thể làm bác sĩ, công an, làm trong quân đội, nhà hàng hay du lịch…, không thể đi du học hay đi xuất khẩu lao động, thậm chí, người bệnh mất đi sức khoẻ để có thể trở thành trụ cột trong gia đình. Do vậy, tất cả chúng ta cần chung tay đẩy lùi căn bệnh này ra khỏi cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cho nhưng người thân xung quanh.

GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi, (Chủ tịch Hội đồng viết phác đồ điều trị Bệnh viêm gan do virus)

Theo Đời sống
back to top