Chị Đ.T.N. (Thanh Oai, Hà Nội) được phát hiện thai có dị tật từ tuần thứ 23 của thai kỳ.và được theo dõi quản lý thai tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Sáng 19/5/2021, ekip BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng khoa D5 đã mổ lấy thai thành công đón bé gái con chị Đ.T.N. chào đời, bé ổn định chuyển Bệnh viện Nhi T.Ư xử trí u bạch huyết vùng cổ kích thước 101 x 14 x 86mm.
TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, u bạch huyết có thể xuất hiện từ khi còn bé (bẩm sinh) hoặc mắc phải (sau chấn thương…). Nguyên nhân trực tiếp của u bạch huyết là sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết từ thời kỳ bào thai, mặc dù các triệu chứng có thể không phát hiện được trong giai đoạn mang thai cho đến khi được sinh ra. Tắc nghẽn này được cho là gây ra bởi một số yếu tố, bao gồm: Mẹ sử dụng rượu, bia và nhiễm virus trong thời kỳ mang thai. U bạch huyết mắc phải thường xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết, thường phát hiện tình cờ hoặc bệnh nhân có biểu hiện đau nhẹ tại vùng tổn thương.
Có 3 loại u bạch huyết với các triệu chứng biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào kích thước và độ sâu của các mạch bạch huyết bất thường.
U bạch huyết dạng mao mạch thường thấy ở bề mặt da, do bất thường về cấu trúc mạch bạch huyết, tổn thương là những cụm mụn nhỏ có màu từ hồng đến đỏ sẫm. Tổn thương lành tính và chỉ cần điều trị khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhiều.
U bạch huyết dạng hang thường thấy ngay từ khi mới sinh, đôi khi cũng gặp ở lứa tuổi lớn hơn. Tổn thương thường nằm sâu dưới da và tạo khối lồi lên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi, môi. Kích thước có thể từ vài mm đến vài cm.
U bạch huyết dạng nang cũng có thể được phân loại thành các nhóm nang nhỏ, nang lớn, loại hỗn hợp tùy theo kích thước của u nang.
Các chuyên gia cảnh báo, thông thường các khối u không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường khi ở giai đoạn đầu nên chúng ta thường chủ quan. U đa phần lành tính. Các tổn thương u bạch huyết thường không gây đau hoặc đau nhẹ. Trong một số trường hợp tổn thương u bạch huyết có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động nhất là khi khối u to ở chân hoặc tay. U bạch huyết cũng có thể gây chảy máu nhỏ, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nếu u bạch huyết dạng nang có kích thước lớn ở vùng cổ có thể gây khó nuốt, các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng... Cần cảnh giác với những dạng u bạch huyết lan tỏa bởi chúng có thể ăn thông với một số vùng bạch huyết ở các cơ quan khác. Phức tạp nhất là những khối u bạch huyết phối hợp với u máu. Ngoài ra, u bạch huyết cũng có thể tiến triển thành ung thư... Vì vậy, không nên chủ quan, cần đi khám và điều trị sớm.
Việc điều trị u bạch huyết tùy thuộc vào các loại u, kích thước khối u và dạng u có cách trị khác nhau như tiêm thuốc, phẫu thuật, laser... Sau điều trị người bệnh cần tái khám bởi u hay tái phát.