Sau khi hút thai, chị N.T.H. sinh năm 1992, (Quảng Ninh) thường xuyên ra máu kéo dài và đau bụng âm ỉ, nhưng không đi khám. Sau 2 tháng, tình trạng đau và ra máu ngày càng tăng, chị mới đi khám thì được chẩn đoán tụ máu vết mổ sau hút thai và được chỉ định phẫu thuật mở xử trí khối máu tụ.
Lời bàn: BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Phụ khoa Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, nhồi máu tại vết mổ sau hút thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu không được phẫu thuật, khối máu tụ có thể vỡ gây băng huyết, chảy máu, nguy cơ nhiễm khuẩn buồng tử cung…Vì vậy, các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần lưu ý:
1. Cần có biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp, tránh có thai ngoài ý muốn và nạo hút thai để không xảy ra các tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Trước khi tiến hành nạo hút thai, cần khám và siêu âm xác định chính xác vị trí của thai, loại trừ các trường hợp thai làm tổ không đúng vị trí, chửa tại vết mổ đẻ cũ và cần tiến hành tại các cơ sở y tế đủ điều kiện.
3. Người bệnh sau can thiệp nạo hút thai cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và thăm khám theo hướng dẫn hoặc khi có bất cứ diễn biến gì bất thường xảy ra.
N.H (ghi)