Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy yếu khi trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt. Nạp nhiều đồ ngọt làm tăng sự phát triển của vi khuẩn và men có trong máu, khi lượng đường vào cơ thể quá nhiều sẽ làm rối loạn sự phát triển bình thường của vi khuẩn và men từ đó tác động làm hệ miễn dịch yếu đi.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thói quen ăn uống nhiều đường của người Việt được thống kê gần nhất là bình quân mỗi người sử dụng trên 53 lít nước giải khát/năm và trẻ em là đối tượng sử dụng nhiều nước ngọt. Rất nhiều trẻ em ngày nay thích uống nước ngọt. Khi uống một lon nước ngọt, các em đã dùng tới 36-63g đường, trong khi mỗi người chỉ nên sử dụng 20g đường mỗi ngày. Mỗi người nên uống 2 lít nước/ngày, nhưng nhiều gia đình đã dùng sữa thay nước, mà trong sữa cũng có đường. Nếu muốn cho trẻ dùng sữa, nên tập cho trẻ uống sữa không đường để chống các bệnh về răng miệng cũng như tiểu đường, huyết áp, tim mạch sau này. Thêm vào đó, bánh kẹo luôn là thực phẩm cám dỗ trẻ, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và rối loạn chuyển hóa.
Theo nhiều nghiên cứu, tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng lượng đường trong máu, ức chế sự thèm ăn và gây biếng ăn ở trẻ em. Ngoài ra, sự trao đổi chất đường trong cơ thể cần tiêu thụ nhiều loại vitamin và khoáng chất, do đó, ăn nhiều đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin, canxi và kali ở trẻ nhỏ. Sử dụng quá nhiều đường mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư nhưng nó sẽ dẫn đến các bệnh lý phát triển thành ung thư. Ăn quá nhiều đường có thể gây béo phì, mối nguy hiểm tiềm ẩn của nhiều bệnh ung thư. Trẻ béo phì dễ bị ung thư tuyến tụy, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày và ung thư ruột hơn trẻ em có cân nặng bình thường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cả người lớn và trẻ em nên giới hạn lượng đường tự do ở mức dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ. Một người trưởng thành trung bình tiêu thụ khoảng 2.000 calo mỗi ngày, lượng đường tiêu thụ nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50g, thậm chí tiêu thụ dưới mức 5% còn có nhiều tác dụng tốt hơn nữa và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Khi cho trẻ ăn đồ ngọt, tốt nhất cho ăn sau bữa ăn trưa để cơ thể có thể bổ sung carb trước khi có giấc ngủ ngắn. Có thể dùng đồ ngọt như món tráng miệng sau bữa ăn bởi đồ ngọt cho phép cân bằng chất dinh dưỡng trong bữa ăn mà lượng đường trong máu lại không tăng. Tuyệt đối không nên ăn đồ ngọt vào buổi tối bởi khi không tiêu hóa hết, đường trong máu tăng hoặc tích tụ gây béo phì. Ăn đồ ngọt vào buổi tối cũng rất ảnh hưởng tới men răng của trẻ.