Trình độ nhân sự ngày càng tăng cao, một số công việc trước đây chỉ yêu cầu tốt nghiệp phổ thông nay đã yêu cầu tới trình độ đại học. Thế nhưng, đây cũng là lúc nhiều người có tài năng lại chẳng có bằng cấp gì cả, như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg.
CEO không bằng cấp giữ chức vụ lâu hơn.
Trong một thống kê kéo dài 20 năm với 17.000 người làm lãnh đạo, nhóm nghiên cứu từ Harvard cho thấy rằng không phải cứ tốt nghiệp đại học với điểm số cao, một tấm bằng đẹp… là bạn có thể chắc chân trong hàng ngũ lãnh đạo của một công ty.
Thực tế là, có đến 8% số lãnh đạo trong nhóm thống kê còn chẳng có bằng hoặc bỏ học giữa chừng. Và đó là những người lãnh đạo phải nỗ lực hơn rất nhiều ở một số đặc điểm nhất định như sau:
Phải có kinh nghiệm, phải giỏi ở lĩnh vực bạn đang làm
Không bằng đại học không có nghĩa là bạn không có kiến thức, không có kinh nghiệm và không hiểu biết về những gì mình đang làm. Đây là sự thật! Kiến thức tới từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều dạng khác nhau và nhiều cách thức để tiếp cận khác nhau. Trong khi đồng nghiệp có bằng tiếp nhận chúng qua trường lớp, giảng đường thì những lãnh đạo không bằng tiếp nhận chúng bằng trải nghiệm thực tế hay được đào tạo bởi những người khác.
89% CEO không bằng hiểu rõ về ngành nghề họ đang làm cho dù họ đang sản xuất linh kiện, xuất nhập khẩu hay thiết kế phần mềm… Họ có khoảng thời gian dài trong nghề và hiểu được rất nhiều đặc thù nghề, rất nhiều mánh khoé hay kinh nghiệm xương máu thực tế. Tất nhiên, tuổi nghề của họ cũng cao hơn nhiều so với những đồng nghiệp có bằng. Đó là cách để họ có được đòn bẩy thăng tiến.
Nhân sự của họ cũng thoải mái hơn khi biết rằng cấp trên của mình là một người hiểu biết, từng trải trong nghề. Những mối quan hệ, kinh nghiệm cũng như bài học thực tế của CEO không bằng sẽ là yếu tố quyết định để tạo nên sự thành công cho tập thể, thứ mà những người có bằng cấp nhiều khi không có được.
So với những CEO có bằng cấp, những CEO không bằng cũng nắm giữ chức vụ của mình lâu hơn, làm ở nhiều vị trí khác nhau hơn và trung bình thời gian để họ leo lên ghế lãnh đạo nhiều hơn 15% so với những CEO có bằng cấp.
Nếu bạn là một người không bằng cấp, lựa chọn hoàn hảo với bạn sẽ là những công ty có quy mô nhỏ, chẳng công ty lớn nào nhận một người không bằng cấp, ít kinh nghiệm và ít hiểu biết về nghề. Thế nên, hãy bắt đầu nhỏ thôi và phát triển lớn dần.
Một phát hiện thú vị khác chính là những CEO không bằng đa phần là người đồng sáng lập, họ sáng lập nên chính tập thể mà mình làm việc trong khi các CEO bằng cấp đa phần đều đi làm thuê.
Steve Jobs chính là ví dụ điển hình khi mà ông không bằng cấp và sáng lập nên Apple cùng hai người bạn Steve Wozniak và Ronald Wayne.
Kết quả sẽ trả lời tất cả
Những CEO không bằng sẽ trả lời bằng kết quả, họ để thành quả kể câu chuyện của chính mình. Giống với câu chuyện của ‘Mark’, người khởi điểm với tư cách là một tài xế lái xe tải. Mỗi ngày Mark chạy 3 chuyến thay vì 1 chuyến như những người khác và anh được công ty đối thủ mời vào làm việc. Công việc tiếp theo của Mark là làm sales và tất nhiên, hiệu quả của anh cũng vượt trội những đồng nghiệp của mình.
Hiệu quả của Mark tốt tới mức chỉ tiêu của Mark được đặt ra cao gấp 3 lần những người đồng nghiệp có bằng cấp. Mark đồng ý với điều kiện anh được tăng lương và kết cục là anh mang về doanh thu cao gấp 6 lần những đồng nghiệp có bằng. Cứ thế, trong suốt 20 năm nỗ lực, Mark trở thành CEO của công ty ngày nào anh còn làm nhân viên quèn.
Tiên nói về sales, sales cùng marketing cũng là hai ngành nghề đưa những CEO không bằng lên đỉnh cao sự nghiệp. Có tới 56% số CEO không bằng bắt đầu với công việc này.
Hãy luôn để mắt tới những nhân sự tài năng
Thống kê trên cho thấy những CEO không bằng cấp tuyển người đúng, trúng tốt hơn những CEO có bằng cấp. Họ luôn tìm được những nhân tố mạnh cho tập thể, hướng họ tới đúng nhóm, đúng công việc mà họ hiệu quả nhất để rồi mang lại thành quả lớn cho công ty. Và những CEO không bằng cấp cũng hoà nhã, cởi mở với nhân viên nhiều hơn vì đơn giản họ chẳng có gì hơn nhân viên của mình cả.
Có nhiều CEO tuyển người thông qua những khách hàng mà họ làm việc cùng. Họ hỏi khách hàng về nhân viên tuyệt vời nhất khách hàng từng làm việc cùng và rồi tiếp cận, tuyển đúng người cho tập thể. Cách tiếp cận này giúp cho những CEO không bằng phát triển xa hơn trong hành trình dài hạn.
Kết
Vậy đấy, khi bạn có điều kiện không bằng những người khác, bạn hoàn toàn có thể cải thiện nó bằng cách nỗ lực không ngừng. Những CEO không bằng đều cần nhiều thời gian hơn để đạt được vị trí hiện tại, họ đều phải làm việc, thể hiện với năng suất cao hơn và họ luôn bắt đầu từ những vị trí nhỏ nhất.
Theo Doanh nhân Sài Gòn