Không ai cấm các trường tự chủ

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 khiến nhiều người đặt ra câu hỏi sao không giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Ít ai biết rằng, theo luật Giáo dục đại học, các trường có quyền tự chủ. Nhưng rất ít trường thực hiện quyền này, song ngoài miệng lại luôn kêu la rằng sao không cho chúng tôi tự chủ?

Sợ tốn kém

Những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn chưa hết “nóng”, dư luận đặt câu hỏi nên chăng giao quyền tự chủ cho các trường để có đầu vào thực chất, tránh gian lận khi tổ chức ở các địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây có lẽ có một sự hiểu lầm của số đông. Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đăng được quy định trong Luật giáo dục đại học năm 2012. Theo điều 34, tất cả các trường đều có quyền được tự chủ quyển sinh, có thể sử dụng các hình thức tuyển sinh khác nhau như thi hoặc xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Nghĩa là, không ai cấm các trường tự chủ cả.

Như vậy là do các trường không muốn tự chủ?

Có rất nhiều lý do. Với các trường đại học, cao đẳng lớn, top đầu, việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng không phải là vấn đề gì. Năm nào họ cũng có thể tổ chức được. Nhưng với các trường nằm ở top giữa hay thấp thì lại khác. Họ không tự chủ tuyển sinh được.

Họ không biết làm các bộ đề thi để tuyển sinh. Đa phần các trường đều là chuyên ngành, mà bộ đề thi lại là kiến thức phổ thông như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa. Do đó, họ không tự làm đề thi được. Việc tổ chức thi lại rất tốn kém. Do đó, họ không tự chủ được.

Trong khi những tiêu cực của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị phanh phui thì liệu các trường này có “yên tâm” sử dụng kết quả để xét tuyển?

Tôi cũng phải nói thẳng là không chỉ ở kỳ thi năm nay, mà từ lâu rồi, cái kết quả thi tốt nghiệp THPT có nhiều giả dối lắm. Đó là lý do để các trường muốn có đầu vào tốt đều phải tổ chức tuyển sinh riêng.

Nếu tiêu cực như thế, nên chăng xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đi?

Nếu bỏ kỳ thi này thì hóa ra phủ nhận hết 12 năm học hành của học trò. Kỳ thi này có vai trò đặc biệt quan trọng, không bỏ được. Có học thì phải có thi. Còn các trường, muốn tuyển sinh được những thí sinh có chất lượng cao thì buộc phải tự tổ chức thi. Ví dụ ngành y thì phải tuyển học trò giỏi môn sinh học, ngành kiến trúc, hội họa phải giỏi hình học… Tính chất của hai kỳ thi này là khác nhau. Kinh nghiệm các nước trên thế giới họ cũng làm như thế. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là để tham khảo.

Gian lận trong thi cử, đầu vào các trường đại học tưởng cao mà lại thấp, lỗi sẽ là của ai?

Các trường phải xem lại trách nhiệm của chính mình. Các trường được phép tổ chức tuyển sinh nhưng lại không làm. Trong khi ngoài miệng thì cứ luôn kêu la là không được tự chủ, không được quyền chọn thí sinh… Nhưng chính là do năng lực của các trường. Sợ tốn kém, không làm được đề thi, không tổ chức được kỳ thi… thì đừng trách ai cả. Chính là vì các trường không muốn tự chủ đấy thôi.

Bệnh thành tích, cả xã hội phải thay đổi

Có cơ chế nào để bắt các trường phải xây dựng được chuẩn đầu vào trong tuyển sinh không?

Thực ra cũng không cần thiết. Các trường có thể thoải mái tuyển sinh nhưng phải xiết chặt đầu ra. Nghĩa là anh có thể vào học thoải mái, nhưng nếu không đáp ứng đủ kiến thức cần thiết của quá trình học thì không thể tốt nghiệp.

Có làm như thế thì người ta mới “ngại” vào đại học nếu chỉ muốn có cái bằng, cái danh cho oai. Còn ai muốn học thực sự thì họ sẽ theo đuổi.

Công cụ kiểm soát đầu ra này ở các trường hiện nay thế nào?

Gần như chưa có. Chúng ta vẫn làm theo kiểu đa phần đã vào là ra. Bản thân năng lực của nhiều trường không phải là không có vấn đề. Trường mở thì ồ ạt, ầm ầm, nhưng thậm chí không tự xây dựng được chương trình đào tạo. Nhiều trường chỉ nhăm nhăm đi ăn cắp chương trình từ các trường khác. Trong khi bên ngoài thì nói thánh nói tướng.

Các trường còn thế, thì trách sao học trò gian dối?

Sự gian dối này cũng có hệ thống. Từ người lớn mà xuống, từ lãnh đạo mà đi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có năm đạt 99%, trong khi nếu đi vào thực chất thì chắc có lẽ chỉ đạt 60-70% là nhiều lắm. Để thay đổi, phải thay đổi quan niệm của toàn xã hội.

Để có kỳ thi thực chất thì người ta phải chữa được bệnh thành tích, coi kết quả không quan trọng, quan trọng là đánh giá đúng trình độ học sinh.

Nhưng hẳn là trường nào cũng muốn tuyển được học sinh giỏi?

Muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác. Và không phải cứ được quyền tự chủ là sẽ tuyển được học sinh giỏi thực sự. Đó còn là khâu tổ chức, xây dựng đề thi, coi thi, chấm thi như thế nào. Chính các trường, nếu không đủ trình độ, thì cũng không làm được.

Chủ tịch tỉnh phải xin lỗi

Những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khiến dư luận rất bức xúc với ngành giáo dục, ông có thấy buồn?

Vừa rồi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận lỗi trước Chính phủ về những sai sót này, nhưng theo tôi, người phải xin lỗi là chủ tịch tỉnh ở những địa phương xảy ra sai phạm. Kỳ thi đã được giao về cho các tỉnh tổ chức. Lãnh đạo tỉnh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh trực tiếp.

Nên khi có sai sót thì họ phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau đó mới đến bộ trưởng. Nhưng đây tôi thấy lãnh đạo các tỉnh này im lặng, hoặc có nói thì lại đổ lỗi lung tung, rất phản cảm. Như thế là không được.

Ông có nghĩ rằng sai sót này không chỉ có ở 1-2 tỉnh?

Các tỉnh khác cũng có thể có chuyện đó. Phải hiểu rằng ở địa phương thì những “ông vua con” khi đã ra lệnh là bên dưới răm rắp nghe theo. Do đó, việc chấm lại xác xuất ngẫu nhiên các bài thi trên cả nước để xác định xem có sai phạm không cũng có thể là một giải pháp.

Nhưng sẽ mất thời gian, tốn kém. Quan trọng ở đây là thể chế, là con người, những người thực thi pháp luật. Nên nếu sai phạm xảy ra ở địa phương thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Nhưng nó là sai phạm của ngành thì Bộ trưởng phải nhận lỗi là đúng?

Đương nhiên là thế, nhưng thử hỏi giáo viên xem sợ ông chủ tịch tỉnh hơn hay sợ ông bộ trưởng hơn. Ông chủ tịch tỉnh mới là người giao nhiệm vụ, ký quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng, trả lương… chứ đâu phải ông bộ trưởng. Thế nên ông chủ tịch nói thì chỉ có mà nghe răm rắp.

Điều đang tiếc là dường như họ lại chỉ thích có quyền lực chứ không thích bị giám sát. Liệu có ông phó giám đốc sở nào dám đem tài liệu ra bãi tha ma đốt mà không báo cáo ông giám đốc? Không nhận sự chỉ đạo của một ai đó?

Liệu có giải pháp kỹ thuật nào để giám sát những sai phạm này?

Các giải pháp kỹ thuật là có, rất tốn kém, nhưng không lâu dài. Họ sẽ bằng cách này cách khác để đối phó, nếu họ muốn vi phạm. Cách tốt nhất vẫn là công khai, giám sát minh bạch, để người dân giám sát. Có thể lắp camera ở khu vực quản lý dữ liệu thi để mở, ai cũng có thể xem, thì việc giám sát sẽ thực chất hơn.

Quyền tự chủ của các trường đại học tại Việt Nam được ghi nhận kể từ năm 2005 trong Luật Giáo dục. Tiếp đó, quyền tự chủ được tái khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên đến nay, tự chủ đại học vẫn chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Tại dự thảo luật, một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm, sửa đổi là vấn đề tự chủ đại học.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top