Khói mù chính là khí độc

(khoahocdoisong.vn) - Đây chính là hiện tượng khói mù quang hóa hay còn gọi là hiện tượng nghịch nhiệt, chứ không phải là do đốt rơm rạ như người ta vẫn nghĩ.

Hỏi: Thi thoảng có những ngày tự nhiên có khói mù như sương, xin hỏi loại khói này có độc không?

Trần Đức Hòa (Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, đây chính là hiện tượng khói mù quang hóa hay còn gọi là hiện tượng nghịch nhiệt, chứ không phải là do đốt rơm rạ như người ta vẫn nghĩ. Nghịch nhiệt là hiện tượng mà lớp không khí sát mặt đất không đối lưu được với lớp không khí bên trên, làm cho khí độc không thoát lên được nên mới dẫn đến hiện tượng khói mù. Không khí muốn đối lưu được thì không phí sát mặt đất phải nóng hơn trên cao. Khi đó, việc đối lưu không khí được thực hiện theo một cơ chế tự nhiên. Ngược lại thì sẽ tạo ra một lớp không khí mù mịt chứa đầy những chất ô nhiễm, có thể làm rụng lá cây, viêm phế quản, suy hô hấp…

Nhìn bề ngoài mù giống nhau nhưng bản chất thực của hiện tượng mù năm nay có cơ chế hoàn toàn khác các năm trước. Trước đây mù do nhiều yếu tố như đốt đồng làm khói bay vào, mù do ô nhiễm không khí với khói xe hay khí độc. Hiện nay, đa phần khói mù là do bầu khí quyển nóng, không khí bên dưới nóng và bên trên còn nóng hơn. Trong khi đáng lẽ ra nếu thuận nhiệt thì càng lên cao không khí phải càng mát thì nó mới có sự điều hòa.  Nắng nóng cùng theo gió Đông Nam thổi từ biển vào làm hơi nước bốc lên và tạo thành đám mây dày trên trời, cách mặt đất khoảng hơn 3000m. Tầng mây này ngăn phóng xạ không cho bay lên cao, từ đó tạo nên mù hơi nước phía dưới. Sương mù này này tương tự như dạng mù nước trong tủ sấy. Khi độ ẩm cao, hơi nước bốc lên nhưng không thể thoát ra ngoài được sẽ tạo nên mù.

Với thời tiết mù này, con người sẽ cảm thấy bức bí, khó chịu và dẫn đến ốm. Người già và trẻ nhỏ cần có các biện pháp gìn giữ sức khỏe cẩn thận.

Đăng Khoa

Theo Đời sống
back to top