Khỏe vì lắm đam mê

Tới viết bài về đình Tú Thị (phố Yên Thái, Hà Nội), tôi tình cờ được gặp ông Trần Văn Đạt (77 tuổi) khi ông đang dịch nốt tấm bia đá. Cụ thủ từ đình cho biết, ông Đạt là người đã dịch và chú giải toàn bộ hoành phi, câu đối, văn bia tại đây.

Ông Trần Văn Đạt với bộ sưu tập sách cổ.

Dạy toán lại đam mê chữ Nho

Ông Đạt nguyên là thầy giáo dạy toán, nguyên hiệu phó trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam. Chữ Nho là một trong những đam mê của ông. Ngoài chữ Nho, ông còn biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Bồ Đào Nha. Ngay từ khi còn dạy học, ông đã mê nghiên cứu về các văn bia ở các đình chùa.

Không ai giao nhiệm vụ, nhưng lâu nay ông cứ lặng lẽ đi khắp các đình chùa quanh phố cổ, tìm hiểu về thần tích, thần sắc, bia đá, hoành, câu đối… rồi tra cứu, đối chiếu, dịch và chú giải. Nhờ thế rất nhiều nơi các văn bản cổ đã được dịch cẩn thận.

Ông còn dịch văn bia cho vùng Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ là quê ông, quê vợ và nơi ông dạy học trước kia.

Nghe ông kể mới thấy đây là một công việc không hề đơn giản và rất mất thời gian. Mỗi một chữ đều có nhiều ý nghĩa, lại liên quan đến các điển tích, điển cố. Vì thế phải đọc, tra cứu rất kỹ thì mới chú giải chính xác được. Nhưng vì ý thức được tầm quan trọng của công việc này, nên bao nhiêu năm nay ông vẫn thầm lặng làm.

Đến nay ông đã in cuốn sách dịch các văn bia, câu đối ở Đền Ngọc Sơn.

Hơn nữa, công việc này càng làm lại càng đam mê, càng đọc, càng tìm hiểu càng thấy cần phải học hỏi nhiều.

Với ông, đó là một phần của văn hóa Việt Nam. Cứ nói giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng phải hiểu thì mới giữ được. Trong khi đó, rất nhiều văn tự, hoành phi, câu đối… tại các đình chùa lại chưa được dịch ra chữ quốc ngữ.

Người trẻ không biết chữ Nho, chữ Hán, đến đình chùa ngay trên đất nước mình mà không đọc được, chẳng khác gì đến một đất nước xa lạ. Đấy quả là một thiếu sót của những người biết chữ.

Mê đồ cổ

Ông Đạt tâm đắc nhất là sách cổ. Căn nhà nhỏ của ông trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội), tầng nào cũng là nơi lưu giữ đồ vật sưu tầm. Tầng 4 là nơi để sách cổ và bút cổ. Có những quyển rất cổ như cuốn Từ điển Từ Hải, Từ điển Từ Nguyên, Từ điển Khang Hy, hay cuốn Tứ thư…bìa đã sạm đen cả lại mà ông phải bảo quản trong những hộp riêng.

Ông bảo, có những cuốn sách quý và hiếm đến nỗi có tiền cũng chưa chắc đã mua được.

Đặc biệt trên giá sách còn có 22 cuốn của bộ tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm. Thời Pháp thuộc, tất cả các làng xã đã phải nộp những bản báo cáo về văn bia ở địa phương mình để lưu trữ. Và sau này phía Pháp đã trao lại cho ta, nhờ thế đến nay ta giữ được tương đối đầy đủ các văn khắc này.

Mê sách cổ, có thời gian tìm hiểu về các đình chùa miếu mạo, các phố cổ, nghề cổ… ông còn có thú vui sưu tầm đèn cổ, là một sản phẩm của phố Hàng Thiếc nơi ông sống.

Trong phòng khách ông còn có một tủ kính bày các loại đèn hoa kỳ, có những chiếc được mua từ bên Mỹ, và một bộ sưu tầm tiền cổ. Ông Đạt đang còn có ý định khôi phục những loại đồ chơi truyền thống của phố Hàng Thiếc.

Đọc nhiều, tra cứu nhiều, đi nhiều. Với một người lắm đam mê như ông Đạt, cuộc sống luôn bận rộn và nhiều ý nghĩa. Đi tới đâu cũng có bạn, có những niềm vui.

Ông bảo, làm việc này không phải để được người đời ghi công, hay biết đến, mà chỉ vì thấy cần thiết thì làm. Và cuộc đời đã trả công cho ông rất hậu, đó là sự trưởng thành, thành đạt của những người con mà ông rất tự hào. Giờ lại thêm đứa cháu nội bên Mỹ bắt đầu học chữ Hán khiến ông càng vui, vì cái kho sách cổ của ông sẽ có người đọc được.

Bảo Anh

Theo Đời sống
back to top