Khai thác khoáng sản - khó quản
Khoáng sản là nguồn tài nguyên có hạn, nếu khai thác quá mức và không đúng quy định sẽ có nguy cơ cạn kiệt. Luật Khoáng sản năm 2010 quy định “tài nguyên khoáng sản” là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, nghiêm cấm hành vi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu về khoáng sản tăng mạnh, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép.
Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng sắt, quặng cao lanh, khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên…
Phần lớn khoáng sản bị khai thác trái phép có giá trị cao như khoáng sản kim loại, khoáng sản quý, hiếm phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp.
Hay tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông và đất đồi làm vật liệu san lấp để phục vụ nhu cầu xây dựng công nghiệp, đô thị… đang tăng nhanh hiện nay.
Một số địa phương đã có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Khi phát hiện tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, thông thường UBND các cấp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa và duy trì lực lượng một thời gian để ổn định tình hình. Tuy nhiên, phương thức này tỏ ra kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính, không kịp thời.
Trong khi đó, công tác phòng tránh khai thác khoáng sản trái phép của lực lượng chức năng kém hệu quả do lực lượng thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu, lực lượng cán bộ trung bình chỉ có từ 3-5 người ở cấp tỉnh, và 1 người (kiêm nhiệm) ở cấp huyện. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, núp bóng nhiều dự án khác nhau để tận thu khoáng sản.
Tăng cường quản lý các cấp cơ sở
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia, do đó, phải được quản lý, khai thác hợp lý, tiết kiệm, dự trữ cho lâu dài. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản, trong đó có các khu vực dự trữ khoáng sản titan sa khoáng, cát trắng,...
Tuy nhiên Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản, nhưng chưa quy định tính pháp lý để triển khai các dự án. Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản dự trữ; Luật Khoáng sản cũng chưa quy định ở các khu vực dự trữ khoáng sản thì trên mặt có được triển khai các dự án kinh tế khác hay không.
Trong khi đó, nhiều địa phương như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... có nhu cầu phát triển các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời.… Đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các dự án trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản.
Do đó, cần phải có quy định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt đất để có thể sử dụng có hiệu quả mặt đất và bảo tồn được tài nguyên.
Trong đó, chủ đầu tư phải đặc biệt có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong khu vực dự án. Khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép khoáng sản dự trữ thuộc phạm vi dự án phải có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Sau khi kết thúc dự án trên mặt, chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập phương án và thực hiện phương án hoàn trả mặt bằng, cải tạo, bảo vệ môi trường, khoáng sản dự trữ chưa khai thác trước khi bàn giao đất cho địa phương với kinh phí thực hiện từ chủ đầu tư.
UBND các cấp cũng cần phải có trách nhiệm trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Phải có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm như đã nêu.