<div> <p>Theo thỏa thuận của 2 tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, <span>Vingroup</span> sẽ sáp nhập 2 mảng bán lẻ và nông nghiệp do Công ty VinCommerce và Công ty VinEco phụ trách vào Công ty CP Hàng tiêu dùng <span>Masan</span> (Masan Consumer).</p> <p>Hai bên sẽ cùng hoán đổi cổ phần theo một tỷ lệ thỏa thuận để sáp nhập thành tập đoàn mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ. Trong đó, Masan nắm quyền kiểm soát hoạt động, và Vingroup là cổ đông.</p> <p>Tuy nhiên, thực tế tình hình kinh doanh của mảng bán lẻ tại Vingroup và hàng tiêu dùng tại Masan đang rất trái ngược.</p> <h3>Lợi nhuận hàng tiêu dùng Masan có đủ bù lỗ cho Vinmart?</h3> <p>Trong khi Masan Consumer đang hoạt động ổn định với lợi nhuận 3.000-<abbr class="rate-vnd">4.000 tỷ đồng</abbr> mỗi năm, mảng bán lẻ của Vingroup (chủ yếu từ Vinmart và Vinmart+) vẫn đang thua lỗ.</p> <p>Masan Consumer là công ty con do Công ty TNHH MasanConsumerHoldings nắm 94,67% vốn. MasanConsumerHoldings lại thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Masan kiểm soát 85,7%. Doanh nghiệp này nắm giữ mảng kinh doanh quan trọng nhất của Masan là hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống. Đây là đơn vị có kết quả kinh doanh cao nhất trong hệ sinh thái của tỷ phú <span>Nguyễn Đăng Quang</span>.</p> <p>Năm 2018, công ty hàng tiêu dùng này ghi nhận <abbr class="rate-vnd">17.290 tỷ đồng</abbr> doanh thu thuần, với biên lãi gộp xấp xỉ 45%/năm, công ty thu về <abbr class="rate-vnd">3.894 tỷ đồng</abbr> lợi nhuận trước thuế sau khi trừ chi phí. Những năm trước, doanh thu của doanh nghiệp này đều dao động trong khoảng 13.000-<abbr class="rate-vnd">14.000 tỷ đồng</abbr>/năm, cùng lợi nhuận trước thuế trên dưới <abbr class="rate-vnd">3.000 tỷ đồng</abbr>.</p> <p>9 tháng đầu năm nay, Masan Consumer cũng đạt 12.320 tỷ doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ, kèm khoản lợi nhuận trước thuế <abbr class="rate-vnd">2.755 tỷ đồng</abbr>.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Khoan lo nghin ty cua Vinmart dat ap luc ra sao voi Masan? hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/10/loi_nhuan_truoc_thue_hang_nam_p001.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ngược lại, Công ty VinCommerce là doanh nghiệp vận hành chính mảng bán lẻ của Vingroup với hai chuỗi Vinmart và Vinmart+.</p> <p>Hiện tại, đây đang là chuỗi bán lẻ có quy mô điểm bán lớn nhất thị trường trong nước với hơn 2.600 điểm. Với nguồn thu chính từ 2 chuỗi siêu thị và cửa hàng này, bán lẻ cũng là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Vingroup trong nhiều năm gần đây.</p> <p>Năm 2018, bán lẻ mang về cho tập đoàn <abbr class="rate-vnd">19.326 tỷ đồng</abbr> doanh thu, chiếm 16% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, kinh doanh chưa đạt điểm hòa vốn. Năm ngoái, mảng bán lẻ của Vingroup lỗ trước thuế <abbr class="rate-vnd">5.121 tỷ đồng</abbr>, lớn nhất trong các mảng kinh doanh.</p> <p>Báo cáo tài chính những năm gần đây của Vingroup đều cho biết bán lẻ là một trong những mảng thua lỗ nhiều nhất. 9 tháng từ đầu năm nay, dù doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng, đạt <abbr class="rate-vnd">21.883 tỷ đồng</abbr>, nhưng vẫn lỗ <abbr class="rate-vnd">3.461 tỷ đồng</abbr>.</p> <p>Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán, Masan Consumer đang có khoản lãi lũy kế hơn <abbr class="rate-vnd">1.700 tỷ đồng</abbr>. Trong khi lỗ lũy kế ở mảng bán lẻ của Vingroup đã vượt ngưỡng <abbr class="rate-vnd">17.000 tỷ đồng</abbr> từ năm 2014 đến nay.</p> <p>Số lỗ này trên bảng cân đối kế toán bộ phận bán lẻ của Vingroup có thể thấp hơn nhờ những lần tăng vốn từ tập đoàn mẹ, nhưng rất khó để con số 1.700 tỷ tiền lãi của Masan Consumer bù đắp hết. </p> <p>Tác động tiêu cực Masan phải chịu từ khoản lỗ trước thuế lên tới hàng nghìn tỷ của mảng bán lẻ thể hiện trên báo cáo tài chính Vingroup là khó tránh. Tuy nhiên, theo TS Đinh Thế Hiển, mỗi lĩnh vực kinh doanh có những cơ hội và đặc thù khác nhau.</p> <p>Theo ông, trong ngành bán lẻ, doanh nghiệp phải có thương hiệu, người tiêu dùng rồi mới có lãi. Do đó các chuỗi đều phát triển hệ thống cửa hàng rồi mới tính tới lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng không chỉ nhìn vào lợi nhuận trực tiếp doanh nghiệp làm ra mà quan tâm đến triển vọng công ty.</p> <p>Với mảnh ghép hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát kênh phân phối cho các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh và cả thịt mát của công ty. Trong khi đó, hệ thống nông trại của VinEco sẽ bổ sung cho mảng phân bón, thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt mát.</p> <p>“Masan đang tìm động lực mới và họ tin triển vọng đủ lớn. Có thể ẩn chứa bên trong là trao đổi tài chính giữa 2 tập đoàn có sức mạnh lớn hơn những tính toán lợi nhuận chúng ta đang thấy”, chuyên gia Đinh Thế Hiển kết luận.</p> <h3>Bóng dáng đại gia Hàn sau Vingroup và Masan</h3> <p>Ông chủ của Vingroup và Masan, 2 tỷ phú USD của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang đều là những doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu, bắt đầu với mì gói.</p> <p>Bên cạnh mối quan hệ với Techcombank, với 2 tập đoàn, điểm chung lớn nhất chính là cùng có một cổ đông lớn là Tập đoàn SK của Hàn Quốc.</p> <p>SK Group là tập đoàn gia đình lớn thứ ba Hàn Quốc, sau Samsung và Hyundai, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ. Tập đoàn SK có hoạt động kinh doanh tại hơn 40 nước trên thế giới với doanh thu <abbr class="rate-usd">132 tỷ USD</abbr> và tổng tài sản đạt <abbr class="rate-usd">184 tỷ USD</abbr> tính đến năm 2018.<strongr></strongr></p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Khoan lo nghin ty cua Vinmart dat ap luc ra sao voi Masan? hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/28/sk1559119750.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">SK Group (Hàn Quốc) là cổ đông lớn tại cả Vingroup và Masan. Ảnh: <em>SKGroup.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Thông qua quỹ đầu tư SK Investment Vina I Pte.Ltd, SK Group là cổ đông lớn sở hữu 9,4% vốn tại Tập đoàn Masan sau khi chi <abbr class="rate-vnd">11.000 tỷ đồng</abbr> vào tháng 9/2018. Cũng chính cổ đông này đang sở hữu 6,11% vốn tại Vingroup sau khoản đầu tư <abbr class="rate-vnd">23.000 tỷ đồng</abbr> hồi tháng 5 vừa qua.</p> <p>Không lâu sau khoản đầu tư từ SK Group, Vingroup và Masan đã có thương vụ sáp nhập được đánh giá là lớn nhất trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng Việt Nam.</p> <p>Ngoài cổ đông ngoại này, GIC (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) cũng đang sở hữu 16% vốn tại Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM sau khoản đầu tư <abbr class="rate-usd">500 triệu USD</abbr> hồi tháng 9. Trong đó, VCM chính là công ty mẹ của VinCommerce, nhà điều hành chuỗi Vinmart và Vinmart+.</p> <p>Như vậy, việc VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sáp nhập sẽ không chỉ tác động tới quyền lợi của Vingroup, Masan mà còn cả SK Group và GIC. Trong đó, SK Group đóng vai trò là cổ đông lớn của hai tập đoàn mẹ đứng sau thương vụ sáp nhập.</p> <p> </p> </div>