Đã từng bị bệnh vẫn liệt do phát hiện muộn
Cách đây 4 năm ông Nguyễn Văn Đức (54 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) đã được PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn mổ thay khớp háng cho ông do hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (HTVKCXĐ) không đi lại được tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau đó ông đi lại bình thường.
Gần đây, ông bị đau buốt vùng khớp gối, đi lại khó khăn, điều trị đủ thứ không có kết quả. Ông nhập viện mới rõ chân mình tiếp tục liệt do HTVKXKG với ổ khuyết 3 x 5cm. Các bác sĩ đã phải trám xương và thay khớp gối cho ông. 8 ngày sau mổ, ông giảm đau nhiều, có thể đi lại được nhưng để chân khoẻ hẳn thì phải điều trị phục hồi chức năng.
PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết, thật đáng tiếc ông Đức dù đã được điều trị bệnh một lần nhưng vẫn không phát hiện và điều trị bệnh sớm dẫn tới tiếp tục phải thay khớp gối. Bệnh nếu ở giai đoạn sớm điều trị khá đơn giản, chỉ cần khoan giảm áp là bảo tồn được khớp, giảm đau và tránh tàn phế cho BN. Việc thay khớp rất tốn kém mà lại không tốt bằng khớp thật của chính mình.
Theo ThS Nguyễn Huy Phương, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn, đa số BN bị HTVKCXĐ, ít trường hợp bị ở khớp gối nhưng có những trường hợp bị bệnh ở cả khớp gối và khớp háng. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, tuổi từ 40 – 60. Đây là bệnh rất dễ nhầm với các bệnh lý khớp gối khác như thoái hóa khớp, rách sụn chêm… nên thường bị bỏ sót.
Đặc biệt, bệnh không phát hiện được với chụp X-quang thông thường nhưng trên phim CT thì hoại tử đã phá hủy hết khớp. Vì vậy, rất nhiều người chủ quan khi đau xương khớp tự điều trị hoặc thăm khám ở bác sĩ không phải chuyên khoa sâu dẫn tới bỏ sót bệnh. Khi đau không chịu được, liệt mới đi khám thì khớp đã bị phá hủy, bắt buộc phải thay.
Bác sĩ kiểm tra lại cho BN trước khi ra viện.
Bảo tồn khớp và ngưng thoái hóa
PGS.TS Trần Trung Dũng cho hay, HTVKCXĐ hay khớp gối còn gọi là hoại tử vô mạch là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, khớp gối dẫn đến tàn phế.
Thương tổn có thể ở một hoặc hai bên khớp háng hoặc cả khớp háng và khớp gối. Ở giai đoạn sớm thường bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn muộn hơn, triệu chứng chính là đau bên tổn thương.
Đau thường xuất hiện từ từ, tăng dần, đau tăng lên khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm và sáng. Ở giai đoạn sớm, vận động không hạn chế, giai đoạn muộn, khớp hạn chế vận động tất cả các động tác – người bệnh đi đứng khó khăn, thậm trí tàn phế không đi lại được.
PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết thêm, cơ chế bệnh lý của HTVKCX thuộc mạch máu cung cấp cho xương bị nhồi máu gây tắc mạch và làm phù. Hiện tượng này làm áp lực xương, máu nuôi lại không được cung cấp đầy đủ gây hoại tử. Việc điều trị tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Điều trị bảo tồn bằng mang nạng khi đi lại và dùng thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid để giảm áp lực cho khớp.
Điều trị phẫu thuật là bảo vệ toàn vẹn chỏm xương bất cứ giá nào và làm ngưng quá trình thoái hoá. Trong giai đoạn sớm khi chỏm xương chưa biến dạng: phẫu thuật giảm áp đem lại thành công.
Giảm ép là giải thoát sự tăng áp trong tủy xương dẫn đến tăng sinh mạch máu nuôi, ngăn chặn quá trình thoái hóa, đồng thời những đường khoan trở thành đường ống như kênh dẫn máu, giúp hình thành những mạch máu mới cấp máu cho chỏm xương.
Qua đường khoan có thể đưa xương xốp vào cấy ghép, tăng cường sự hình thành xương mới, tái tạo cấu trúc cổ xương và chỏm xương. Nhờ đó giúp giảm đau, ngừa thoái hóa và bảo tồn được khớp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện được ở giai đoạn sớm I, II, sang giai đoạn III, IV, 70% trường hợp sẽ phải thay khớp.
Thúy Nga