Khoa học lý giải nỗi lo lắng của các mẹ khi thấy trẻ sơ sinh ngủ nhiều

Chưa quen với nhịp sinh học ngày đêm, không ngủ theo một thời gian biểu cụ thể, hầu hết trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ . Và chính việc trẻ sơ sinh ngủ nhiều đã khiến không ít bố mẹ lo lắng.

Thời gian ngủ thông thường của trẻ sơ sinh

Theo National Sleep Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về các rối loạn giấc ngủ và giấc ngủ), trẻ sơ sinh cần ngủ từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng khác nhau ở mỗi đứa trẻ. Có một số trẻ chỉ có thể ngủ 11 giờ trong khi những đứa trẻ khác có thể ngủ tối đa lên tới 19 giờ một ngày.

Hầu hết trẻ sơ sinh ngủ những giấc khoảng 30-45 phút cho tới những giấc dài khoảng 3-4 giờ. Trong vài tuần đầu sau sinh, đây chính là khoảng cách thời gian tiêu chuẩn để đánh thức trẻ dậy cho ăn và sau đó ngủ lại. Trẻ sơ sinh ngủ nhiềuhoặc ít hơn so với thông thường khi trẻ bị ốm hoặc trải qua một sự gián đoạn trong thói quen sinh hoạt thường lệ của chúng.

Các chuyên gia khuyên rằng trẻ sơ sinh cần ngủ từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày (Ảnh minh họa).

Khi trẻ lớn hơn, trẻ dần quen với nhịp sinh hoạt ngày đêm, lịch ngủ của trẻ dần được hình thành. Chúng bắt đầu có thể ngủ vào ban đêm mặc dù vẫn có thể thức dậy vài lần để ăn. Thông thường thì trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ chưa có lịch ngủ đều đặn và thường không thức lâu hơn 3 giờ mỗi lần.

Làm sao để biết liệu trẻ sơ sinh có ngủ quá nhiều?

Trừ khi có những triệu chứng khác thường, thi thoảng trẻ ngủ nhiều hơn bình thường mà không có lý do đáng lo ngại nào. Một số lý do phổ biến mà một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng vẫn ngủ nhiều hơn thông thường là:

– Trẻ đang trải qua một mốc tăng trưởng hoặc phát triển nhảy vọt.

– Trẻ bị ốm nhẹ, ví dụ như cảm lạnh.

– Trẻ vừa tiêm chủng.

– Trước đó trẻ không ngủ đủ giấc do nhiễm trùng đường hô hấp khiến trẻ khó thở.

Ngoài ra, một số trẻ ngủ quá nhiều còn có thể do bị vàng da hoặc ăn không đủ no. Vàng da có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý không đáng lo ngại và sẽ tự hết sau vài ngày. Trong khi đó, một số dấu hiệu của vàng da bệnh lý bố mẹ cần quan tâm đó là: trẻ bị lờ đờ; gặp khó khăn khi bú hoặc trẻ khó chịu và quấy khóc.

Thi thoảng trẻ ngủ nhiều hơn so với bình thường mà không có lý do đáng lo ngại nào cả (Ảnh minh họa).

Trẻ không được ăn đủ no sẽ bị thiếu nước, giảm cân nhiều, và thậm chí là sẽ bị chậm phát triển. Việc biết bé đã bú đủ no hay chưa được rất nhiều bố mẹ quan tâm đặc biệt là đối với những trẻ bú sữa mẹ. Bên cạnh việc tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia tư vấn cho con bú sữa mẹ, bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu sau để biết bé đang ăn chưa đủ no cho dù con bạn bú mẹ hay đang ăn sữa công thức:

– Trẻ lờ đờ, ngủ lịm đi, không nhiệt tình phản ứng lại.

– Nếu trẻ ngoài 6 tháng tuổi mà tăng ít hơn 170g một tuần.

– Trẻ tè ướt ít hơn 4 cái bỉm một ngày.

– Trẻ có vẻ không dịu hơn sau khi ăn.

Trong một số ít trường hợp, một số nguyên nhân về bệnh lý có thể khiến trẻ ngủ quá nhiều. Rối loạn nhịp thở và nhịp tim có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ và trẻ sinh non thường ngủ hơi khác so với trẻ sinh đủ tháng.

Khi nào cần đánh thức để cho trẻ ăn?

Hầu hết trẻ sơ sinh nên cho ăn 2-3 giờ một lần (Ảnh minh họa).

Trẻ mới sinh thường đòi bú liên tục, tuy nhiên hầu hết trẻ sơ sinh nên ăn 2-3 giờ một lần (tương đương 8 đến 12 lần mỗi ngày) hoặc nhiều hơn nếu bác sĩ khuyến cáo như vậy hoặc khi bé không đạt đủ cân nặng theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cho trẻ bú bất cứ khi nào bé có dấu hiệu đói như sục sạo, mút tay, thè lưỡi … chính là cách tốt nhất đảm bảo trẻ bú đủ no.

Không cần thiết phải đánh thức trẻ dậy để ăn. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh dưới 4 tuần tuổi, không nên để trẻ nhịn lâu hơn 4-5 tiếng mà không cho ăn.

Để đánh thức trẻ dậy ăn, hãy thử vuốt ve má bé vì điều này có thể kích hoạt bản năng gốc của trẻ. Hầu hết trẻ đều không thích vuốt ve chân. Do đó, nếu việc vuốt ve má bé không thành công, hãy nhẹ nhàng lắc nhẹ ngón chân bé và nhẹ nhàng vuốt nhẹ dưới bàn chân bé.

Nhu cầu về ăn uống cũng khác nhau giữa các bé. Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia cho con bú để có được sự tư vấn về nhu cầu ăn và sự phát triển cá nhân của bé.

Phải làm gì nếu bé ngủ quá nhiều?

Nếu bạn đang nghĩ con của mình ngủ quá nhiều, bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, một số việc bạn có thể làm để theo dõi và đảm bảo giấc ngủ cho con bao gồm:

– Cho bé bú mỗi khi chúng có dấu hiệu đói.

– Cho bé bú cứ 1 -2 giờ một lần để đảm bảo bé bú đủ.

– Đảm bảo rằng bé không bị quá lạnh hay quá nóng.

– Theo dõi nhật ký lịch ngủ của bé trong vòng 1 – 2 ngày.

Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán chắc chắn lý do tại sao trẻ ngủ quá nhiều – Ảnh minh họa.

Khi có bất kỳ nghi ngờ gì, bạn có thể đưa bé đến khám bác sĩ. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu:

– Trẻ thở hổn hển hoặc khò khè.

– Trẻ thở rất to.

– Lỗ mũi của trẻ phồng lên khi thở.

– Vùng da quanh xương sườn của bé lõm xuống khi bé thở.

– Trẻ bị sốt.

– Bạn nghi ngờ bé có thể hít, chạm hoặc ăn phải thứ gì đó có độc.

Nguồn: Medical

Theo Kiều Oanh,Helino/Ttvn.vn (afamily)

Theo Đời sống
back to top