Khoa học góp phần xuất khẩu nông lâm sản đạt trên 40 tỷ USD

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn nhiều con số minh chứng đóng góp của khoa học và công nghệ đối với ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ năm 2019 mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn nhiều con số minh chứng đóng góp của khoa học và công nghệ đối với ngành nông nghiệp.

Lần đầu tiên trong 10 năm (tính từ năm 2008 đến nay), nền kinh tế vượt mức tăng trưởng từ 6,7% lên 7,08% năm 2018. Năm 2017 xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì 2018 lên hơn 7 tỷ USD, gấp hơn ba lần kỷ lục đã xác lập trước đó.

Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FD1 (14%). Ở lĩnh vực nông nghiệp cũng chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ năm 2019. Ảnh: Anh Tuấn.

Có thể minh chứng từ ngành sản xuất tôm ở Việt Nam, hiện sản phẩm đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị xuất khẩu đạt 3,55 tỷ USD năm 2018. Trong thời gian 10 năm qua, ngành khoa học và công nghệ đã đầu tư trên 300 tỷ đồng và huy động được hàng nghìn tỷ từ nguồn khác để phát triển ngành tôm theo chuỗi giá trị.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất tôm bố mẹ, giống, công nghệ nuôi, công nghệ xử lý môi trường, giải pháp phòng chống dịch bệnh, công nghệ sản xuất thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến. 

Về giống, hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ chọn tạo giống tôm thẻ chân trắng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh. Nhờ vậy, mỗi năm đã sản xuất và cung cấp được từ 30.000 – 50.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao, đáp ứng 20% nhu cầu tôm bố mẹ trên cả nước, giá thành bằng 30% so với giá nhập ngoại (tiết kiệm được khoảng 40  - 70 tỷ đồng/năm). 

Xuất khẩu tôm 

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN. 

Các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu và làm chủ được quy trình công nghệ nuôi bán thâm thanh, thâm canh và siêu thâm canh, nuôi tôm hữu cơ, công nghệ  biofloc, công nghệ nuôi đa cấp kết hợp công nghệ biofloc, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tôm thương phẩm.

Nhờ vậy, năng suất nuôi tôm siêu thâm canh đã đạt được từ 120 – 240 tấn/ha/năm, tương đương hàng chục ha nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh thông thường (năng suất thường chỉ đạt từ 10 -15 tấn/ha). Các kết quả nghiên cứu được chuyển giao rộng rãi cho các địa phương trên cả nước.

Các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi, nghiên cứu và phát triển chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước; hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên thay thế kháng sinh phòng trị bệnh; chế tạo được bộ KIT phát hiện vi rút trên tôm, với chất lượng tương đương và giá thành cạnh tranh so với chế phẩm nhập ngoại đã được thực hiện.

"Để đạt được kết quả, đầu tiên phải có nền tảng là kỹ thuật, chiến thuật. Sự đóng góp của khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho rằng Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Theo vnexpress.net
back to top