Khoa học giúp mang thai tuổi mãn kinh

(khoahocdoisong.vn) - Kinh nguyệt đã hết, buồng trứng đã teo, nhưng vẫn có thể sinh con. Công nghệ này đã giúp không ít người hưởng niềm vui làm mẹ tuổi xế chiều.

Kinh nguyệt đã hết, buồng trứng đã teo, nhưng vẫn có thể sinh con. Công nghệ này đã giúp không ít người hưởng niềm vui làm mẹ tuổi xế chiều.

Phải dùng trứng của người khác

60 tuổi vẫn có thể làm mẹ, điều kỳ diệu này đã trở thành hiện thực với những người phụ nữ cao tuổi tại Việt Nam. Tất cả là nhờ những tiến bộ của y học hiện đại. Thông tin trên khiến không ít người quan tâm, gửi thắc mắc đến KH&ĐS.

Bà Nguyễn Thị Gấm (xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) đã gần 60 tuổi. Vì người con lớn ở xa nên vợ chồng bà muốn sinh thêm một đứa nữa cho đỡ hiu quạnh. Hy vọng mong manh nhưng vợ chồng bà vẫn đến Bệnh viện Bưu điện để được thăm khám và tư vấn.Trong những trường hợp này, các bác sĩ dùng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng rồi tiến hành chuyển phôi. Đây không phải là trường hợp mang thai ở tuổi mãn kinh đầu tiên tại Việt Nam.

BS Cao Hồng Chi, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Sinh sản, Sức khỏe cộng đồng, Hội Kế hoạch hóa Gia đình cho biết, mang thai ở tuổi mãn kinh là một thành tựu của y học, song không phải ai cũng có thể mang thai vì nhiều lý do. Ở tuổi 60, lúc này buồng trứng đã suy, không còn khả năng kích trứng, nên buộc phải đi xin trứng. Sau đó tiến hành thụ tinh với tinh trùng của người chồng và cấy vào người phụ nữ. Không có chuyện một người không còn trứng nữa mà vẫn sinh đẻ bình thường được. Về bản chất, gene của đứa con không phải là gene di truyền từ người mẹ mang thai, mà từ người cho trứng.

Hơn nữa, việc người phụ nữ đã 60 tuổi mang thai ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Trong 3 tháng đầu, phải tiêm rất nhiều thuốc nội tiết để giữ thai vì lúc này niêm mạc tử cung đã teo rồi, trứng không làm tổ được. Cấy phôi vào, rất khó để giữ. Nguy cơ thai không đậu là rất cao nên phải sử dụng rất nhiều thuốc nội tiết. Thuốc nội tiết làm cho khối u phát triển nhanh, nên những người có khối u như mắc bệnh u xơ tử cung chẳng hạn, là không áp dụng biện pháp này được.

Nhiều rủi ro

Theo BS Cao Hồng Chi, với các sản phụ cao tuổi muốn mang thai thành công thì quan trọng nhất là chất lượng niêm mạc của tử cung, do tuổi sinh đẻ ở phụ nữ tốt nhất là trước 25, sau đó là giai đoạn trước 35 tuổi. Việc mang thai ở tuổi mãn kinh có rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là sử dụng quá nhiều thuốc nội tiết có thể làm kích thích khối u phát triển. Những biến chứng trong quá trình mang thai cũng rất dễ xảy ra. Rồi sức khỏe của người phụ nữ ở tuổi này cũng đã kém đi nhiều, khả năng vượt qua được chặng đường thai nghén cũng thấp.

Ở tuổi này các cơ quan không còn hoạt động tốt như trước, sức khỏe nói chung cũng khó có thể đảm bảo thụ tinh nhân tạo thành công. Ngay cả khi điều kỳ diệu xảy ra là thụ tinh nhân tạo thành công thì nguy cơ sảy thai, thai chết lưu vô cùng lớn bởi nội tiết của người cao tuổi quá kém, khó giữ thai. Các bác sĩ không khuyến khích những phụ nữ lớn tuổi mãn kinh sinh con dù thực tế về mặt khoa học có thể được.

Một rủi ro nữa là chi phí để thực hiện mang thai ở tuổi mãn kinh sẽ rất lớn. BS Cao Hồng Chi cho biết, mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thông thường, không gặp bất trắc gì, thì có giá khoảng 150 triệu đồng/lần. Ngoài ra còn phải đi xin trứng, với giá khoảng 30-40 triệu đồng/lần. Trong quá trình mang thai cũng phải sử dụng rất nhiều thủ thuật khác nhau, tổng chi phí lên đến 200-300 triệu đồng. Đó là trường hợp thuận lợi nhất. Trong khi đó, rất nhiều người làm đi làm lại không thành công, thì chi phí còn cao hơn nữa.

Hiện có một xu hướng mới đang được nhiều người quan tâm là lưu trữ trứng và tinh trùng khi tuổi còn trẻ để dự phòng cho sau này, đặc biệt là người có dự định lập gia đình muộn, người bị ung thư và cần lưu trữ trứng, tinh trùng trước khi điều trị để tránh chất lượng trứng và tinh trùng bị tổn thương... Với kỹ thuật hiện nay, có những trường hợp trữ lạnh trứng và tinh trùng trong vòng 15 năm khi rã đông để làm hỗ trợ sinh sản thì chất lượng trứng, tinh trùng vẫn còn tốt.

Theo Đời sống
back to top