Khó nhận biết lụa tơ tằm thật - rởm

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, thị trường lụa tơ tằm hiện nay rất phong phú với đủ loại thật giả lẫn lộn. Thậm chí ở các làng lụa, khi mua hàng, vẫn có thể mua phải hàng giả.

Hoa mắt thị trường lụa

Thị trường các sản phẩm từ lụa tơ tằm hiện phong phú đến “hoa mắt”. Để phân biệt được sản phẩm lụa thật hay lụa làm từ các loại sợi tổng hợp rẻ tiền không phải là chuyện đơn giản. Lụa pha hoặc lụa dởm gắn mác lụa tơ tằm không phải là hiếm. Các sản phẩm như khăn lụa, váy áo, đồ dùng trang trị bằng lụa tơ tằm… đều là những sản phẩm có giá trị và giá thành cao. Do vấn đề lợi nhuận, nhiều cửa hàng không ngại việc bán hàng rẻ tiền, chất lượng thấp với mức giá cao và quảng cáo không đúng sự thật.

Bà Phạm Trà My (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mới đây bà có đi đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) để chọn mấy sản phẩm lụa biếu đối tác. Khi về nhà, nhìn kỹ thì có một vài sản phẩm trong số lụa bà mua có ghi chữ sản xuất tại Trung Quốc. Theo bà Trà My, nhìn bề ngoài thì gần như không thể phân biệt được, chỉ cái nào có tem mác rõ ràng thì mới biết đó là hàng xuất xứ từ đâu.

Ông Nguyễn Đức Hóa, Viện Dệt may cho biết, để phân biệt lụa thật và lụa rởm thì phải là người trong ngành, có kinh nghiệm chuyên môn mới có thể phân biệt được. Khó khăn này do có quá nhiều mặt hàng tương tự nhau, phong phú cả về màu sắc, mẫu mã, chất liệu. Việc nhầm lẫn lụa thật với lụa dởm rất dễ xảy ra, ngay cả khi mua ở làng lụa có nhiều cơ sở sản xuất lụa hay một số cửa hàng bán lụa được cho là có uy tín.

“Lý do nữa là hiện việc xử lý lụa cũng đều phải sử dụng hóa chất giống nhau, máy móc để dệt lụa giống nhau… nên rất khó phân biệt. Có những trường hợp mà bằng các phương pháp cảm quan không thể phát hiện vì lụa rởm làm tinh vi giống y như lụa thật, phải bằng các phân tích hóa học trong phòng thí nghiệm mới có thể phát hiện. Do đó, cách tốt nhất là mua ở các địa chỉ uy tín, có các thông tin sản phẩm rõ ràng”, ông Nguyễn Đức Hóa cho biết.

Các cách thử đều tương đối

Nhiều người truyền tai nhau cách thử để phát hiên lụa thật hay rởm bằng cách đốt. Theo đó, lụa tơ tằm khi bị đốt sẽ có mùi khét như tóc, lửa tắt ngay, cháy thành muội than, khi dùng tay xoa thì không cảm giác nóng. Nhưng lụa tơ tằm 95% pha 5% polyeste, sản phẩm lửa cháy khói màu đen, mùi khét đặc trưng nilon, vón cục dễ gây bỏng. Còn đốt mẫu lụa tơ tằm 50% pha 50% cotton thì sản phẩm cháy khét đặc trưng giống mùi giấy cháy, không tạo muội than. Theo ông Nguyễn Đức Hóa, đúng là lụa pha nilon khi đốt lên sẽ vón cục và có mùi khét. Tuy nhiên việc lụa cháy nhanh hay cháy chậm là do kết cấu khi dệt vải chứ không phải do thành phần, do đó cách thử này cũng không chính xác.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hóa, lụa tơ tằm 100% rất nhẹ mỏng, mềm mượt. Khi chạm vào có cảm giác mát nhưng không hề lạnh. Sợi tơ cũng rất bóng và bắt sáng, không hề bị dính vào da kể cả khi trời lạnh. Có một cách mà các chuyên gia hay thử để biết lụa thật hay rởm là xoa vải vào nhau. Tuy nhiên, phải là người có kinh nghiệm thì mới nhận biết được âm thanh phát ra khác nhau như thế nào. Qua âm thanh phát ra đó và độ nhăn, nhàu của vải để phân biệt.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng lụa tơ tằm thật cũng có màu trắng ngà chứ không có màu trắng tinh và do được dệt bằng thủ công nên trên tấm lụa có một vài lỗi nhỏ, dệt không đều tăm tắp cũng không đúng. Theo ông Hóa thì hiện nay máy móc dệt lụa tương đối giống nhau, rất hiếm sản phẩm dệt thủ công. Màu sắc cũng rất phong phú. Hoa văn cũng vậy, tất nhiên lụa tơ tằm đúng chuẩn thì thường có hoa văn đơn giản hơn, nhưng không có nghĩa là mọi sản phẩm thật đều có hoa văn đơn giản. Điều này do người thiết kế quyết định chứ không phải do nguồn gốc, xuất xứ của vải.

Nhiều người cho rằng, lụa xịn có khổ vải thường là 90cm, một số ít khổ có chiều rộng hơn 1m nhưng điều này cũng không chính xác vì khổ vải là do máy dệt quyết định. Chỉ phân biệt được lụa dệt tay thì thường có khổ vải như vậy.

Theo Đời sống
back to top