Khó khởi kiện doanh nghiệp chây ì nợ bảo hiểm xã hội

(khoahocdoisong.vn) - Lý giải về tình trạng “vào ít, ra nhiều” của Bảo hiểm Xã hội (BHXH), ông Tăng Hữu Phong -Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, cho biết độ bao phủ BHXH tăng chậm, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chưa được khắc phục.
Toàn cảnh chương trình lắng nghe và trao đổi về chủ đề “Bảo biểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - quyền lợi người lao động”.

Toàn cảnh chương trình lắng nghe và trao đổi về chủ đề “Bảo biểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - quyền lợi người lao động”.

Vì sao khởi kiện đòi nợ BHXH không hiệu quả?

Trong chương trình lắng nghe và trao đổi về chủ đề “Bảo biểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - quyền lợi người lao động” tổ chức tại TPHCM, ông Tăng Hữu Phong cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 89.500 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH, có đến 42.680 đơn vị nợ, chiếm gần 48%, cho thấy mức độ phổ biến của nợ đóng BHXH. Theo Cơ quan BHXH TPHCM, số nợ tạm tính đến ngày 31/5 là gần 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chưa được khắc phục.

Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Cơ quản Bảo hiểm Xã hội TPHCM (BHXH TPHCM) cho rằng còn nhiều bất cập trong chế tài xử lý các doanh nghiệp chây ì, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN cho người lao động. Các đơn vị không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau 1 năm mới có thể chuyển hồ sơ xử lý hình sự.

Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn quy trình xử lý doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH kéo dài hoặc chủ bỏ trốn và quy trình chuyển hồ sơ doanh nghiệp này sang cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM đề nghị tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử phạt nặng kể cả xử lý hình sự những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài; có biện pháp ngăn chặn cụ thể những trường hợp có khả năng chủ doanh nghiệp tìm cách bỏ trốn (khi có tin báo từ người lao động trong công ty), tẩu tán tài sản.

Do đó, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH bằng các nguồn do Chính phủ quyết định. Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Tố tụng lao động nhằm thuận tiện trong quá trình xét xử các vụ án lao động.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện những quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, Ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, yêu cầu Sở LĐTBXH và BHXH TPHCM, Trung tâm Dịch vụ Việc làm của TPHCM tiếp thu cầu thị ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của cử tri để có thể tham mưu tổ chức khắc phục điều chỉnh tạo thuận lợi cho người dân, người lao động tham gia BHXH, BHTN. Đồng thời xử lý ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận trốn đóng BHXH và tiếp tục cải tiến thủ tục tối giản để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, người lao động.

“Trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, cần chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để vận động người lao động ở các doanh nghiệp này tham gia; cải tiến quy trình thủ tục, tăng thực hiện giao dịch điện tử, giao dịch qua bưu chính cho người dân, doanh nghiệp; gắn giải quyết chế độ BHTN với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm tái tham gia thị trường lao động” - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

“Vào ít, ra nhiều”

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều cải tiến về rút ngắn thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người lao động, nhưng hoạt động của ngành BHXH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn đời sống. Nhất là ở các hạng mục chi trả cụ thể của BHXH, BHTN, vẫn còn nhiều khâu theo luật định cồng kềnh, cứng nhắc, thậm chí là làm khó người lao động trong tiếp cận thụ hưởng chính quyền lợi của mình. 

Lễ ra quân hưởng ứng “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân – Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Lễ ra quân hưởng ứng “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân – Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đa số doanh nghiệp nợ kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH để làm việc khác, khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt và đóng tiền nợ BHXH.

Trong khi đó, việc cưỡng chế các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn đang là khó khăn chung nhiều năm, chưa có hướng tháo gỡ nhằm đảm bảo số tiền xử phạt được thu hồi vào Kho bạc nhà nước cũng như việc cưỡng chế thu hồi số tiền nợ BHXH vào Quỹ BHXH. Hiện nay, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TPHCM chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng đối với doanh nghiệp không chấp hành.

Thực tế, năm 2019, TPHCM có 2,5 triệu người tham gia BHXH, tỷ lệ 54%, vượt 4%; có 2,4 triệu người tham gia BHTN, tỷ lệ 50,6%, vượt 15,6%. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, số người lao động TP tham gia BHXH chỉ đạt khoảng 2,3 triệu (49,3%) và 2,2 triệu người tham gia BHTN (48%).

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng cho hay, nhiều năm qua, để bảo vệ quyền lợi người lao động theo đúng luật pháp quy định, đơn vị sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của Luật BHXH.

Đây là chỗ dựa của người lao động khi xảy ra bất trắc, khó khăn, mất việc hoặc nghỉ hưu, nghỉ việc. Thời điểm dịch bệnh Covid-19, các chính sách BHXH đã phát huy tác dụng rõ rệt, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4 của Chính phủ và Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND ngày 27/3 của HĐND TPHCM về việc hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng đang được thực hiện.

Theo Đời sống
back to top