Khiêu vũ để phục hồi sau tai biến

Khiêu vũ để phục hồi sau tai biến, là kinh nghiệm của ông Tường Duy Thịnh (79 tuổi, ở Định Công, Hà Nội).

Ông bà Tường Duy Thịnh.

Tham gia tới mấy CLB khiêu vũ

Đã sắp hết tháng Giêng, nhưng trong căn hộ chung cư của ông bà Tường Duy Thịnh (Định Công, Hà Nội) vẫn tràn ngập không khí Tết. Cây đào nở bung sắc hồng rực rỡ, bánh mứt kẹo vẫn còn, và đặc biệt không gian tràn ngập tiếng nhạc cổ điển.

Ông Thịnh mê nhạc lắm, bởi cả chục năm gần đây ông tham gia tới 6 – 7 CLB khiêu vũ. Ngày nào cũng đi, vừa là đam mê và cũng là một phương pháp tập luyện để giữ gìn sức khỏe. Với ông, khiêu vũ còn giúp ông phục hồi sức khỏe sau tai biến.

Năm 2004, khi 65 tuổi, ông Thịnh bị tai biến lần thứ nhất. Ông kể, lúc đó đang nằm ngủ thì cháu gọi dậy để xem phim, tự dưng ông thấy một bên chân tay nhẹ bẫng đi.

Trước đó đi khám bệnh thì cũng biết huyết áp hơi cao, bác sĩ cho thuốc nhưng ông chưa uống. Khi thấy triệu chứng như thế, ông liền uống hai viên thuốc hạ huyết áp.

Sáng hôm sau tới bệnh viện thì chân tay đã tê, mồm méo. Sau đợt điều trị tại bệnh viện, ông tiếp tục đi châm cứu để phục hồi. Rồi sau đó tập khiêu vũ chừng 1-2 năm thì đi lại được bình thường.

Theo ông Thịnh, khiêu vũ rất tốt cho người tai biến. Thứ nhất là được vận động toàn thân, nhẹ nhàng phù hợp với người cao tuổi. Thứ hai là tập luyện trong tiếng nhạc, được nghe nhạc, nhớ nhịp giữ cho đầu óc minh mẫn, sảng khoái.

Từ đó đến nay ông khiêu vũ hàng ngày, tham gia cả mấy CLB và còn hướng dẫn cho những người mới cùng tập. Nhờ tập luyện đều đặn mà cả chục năm nay huyết áp ông ổn định ở mức 120.

Hôm nào trời mưa không đi tập được thì huyết áp lên 130. Tập đều thì thấy người khỏe khoắn, sảng khoái, hôm nào không tập được thì chân tay uể oải.

Gian nan những ngày đầu

Nghe kể thì thấy đơn giản. Nhưng với ông Thịnh những ngày đầu rất gian nan. Chân đi còn tập tễnh, tay run, mồm méo nói còn khó. Hơn nữa trước đó chưa hề biết khiêu vũ là gì. Vậy nên đến CLB tập rất ngại.

May có người chỉ cho ông chỗ mua đĩa về tự tập. Thế là thời gian đầu ông kiên trì tự tập tại nhà. Được cái tập theo đĩa thì tập được cả chân nam và chân nữ. Nên giờ ông có thể hướng dẫn cho cả nam cả nữ.

Khi đã tập tốt rồi, ông tham gia tập tại nhiều CLB. Xe máy thì ông vẫn đi được nhưng dắt hơi nặng nên lúc đầu cứ đạp xe đi khắp, từ đường Trường Chinh, Lê Trọng Tấn… Sau thì đi xe đạp điện.

Nhiều người ngạc nhiên vì đã bị tai biến rồi mà ông vẫn phục hồi và giữ được sức khỏe tốt. Ông Thịnh chia sẻ, quan trọng nhất là tư tưởng thoải mái, sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ. Hàng tháng ông đến bệnh viện hai lần để theo dõi sức khỏe và lấy thuốc.

Đặc biệt, phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này ông rút ra sau lần tai biến, vì chủ quan không uống thuốc, đến khi huyết áp lên lại uống quá liều. Sau lần đó, ông xem TV, đọc sách báo để có thêm kinh nghiệm về bệnh của mình.

Tập luyện hay sinh hoạt ông Thịnh đều phải lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh. Ví dụ như với bệnh tiểu đường, phải tuân thủ chế độ ăn của bác sĩ đề ra, nhưng cũng không nên kiêng khem quá. Bởi nhiều người kiêng quá thành ra thiếu chất, người yếu.

Và trong những kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe của ông, phải kể đến sự chăm sóc của bà. Tuy không cùng ông khiêu vũ, nhưng mọi sự kiện, mọi việc làm của ông bà đều nắm được hết. Khi kể chuyện, lúc nào quên điều gì, ông đều quay sang hỏi bà.

Với ông, vui nhất bây giờ là sáng sáng được đến CLB, vừa được nghe hát, được khiêu vũ, gặp gỡ bạn bè, thỉnh thoảng lại cùng nhau đi du lịch. Và còn niềm vui cuối tuần con cháu tụ tập về đây bên ông bà.

Bảo Anh

Theo Đời sống
back to top