Khi nào kinh tế Việt Nam mới phục hồi?

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu trước Quốc hội về phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Theo đó, đại biểu Võ Thị Bích Sinh (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tình hình kinh tế xã hội của đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

"Là tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng đề cập đến gói kích thích phục hồi kinh tế. Vậy gói kích thích trong điều kiện nếu có chính xác là khi nào? Sẽ có gì giống và khác nhau so với các gói đã được thực hiện trong các giai đoạn trước đây? Theo bộ trưởng đến thời điểm nào, kinh tế Việt Nam được xem là phục hồi?” - đại biểu Sinh hỏi?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời, giai đoạn năm 2008 – 2009, nước ta tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.

Lúc đó, Chính phủ dành 122 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD. Riêng năm 2009, Chính phủ dành 100,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,7 tỷ USD, tương ứng 5,6% GDP lúc đó.

"Khi chúng ta tung gói ra giúp đất nước vượt qua khủng hoảng. Việt Nam là một trong ít nước tăng trưởng dương, năm 2008 là 5,7 %, năm 2009 là 5,4 %" - Bộ trưởng KHĐT nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng đề cập tới hạn chế, bất cập chính sách chủ yếu phía cung. Doanh nghiệp khó khăn đầu ra, sản xuất không biết bán đi đâu? Thiếu đồng độ chính sách tiền tệ, tài khoá, đã làm giảm hiệu quả, trục lợi chính sách. Vay vốn rẻ này gửi ngân hàng khác, tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán bất động sản.

Ảnh hưởng kinh tế vĩ mô là lạm phát tăng cao, lạm phát 2010 là 9,2%, 2011 lạm phát 18,6 %, đầu tư dàn trải, nợ đọng, nhiều dự án từ năm 2011 dừng lại, không giải quyết hậu quả, nhiều gói hỗ trợ lãi suất chưa quyết toán.

Công tác kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ, thiếu chính sách đồng bộ tài khoá, tiền tệ. Chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước, tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao. Chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, vay vốn doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.

Bộ trưởng đã nêu những bài học kinh nghiệm của nước ta rút ra được như sau: Chúng ta cần chương trình tổng thể, quy mô lớn, đủ khả năng vay trả, khả năng hấp thụ nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực. Hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính, huy động nguồn lực quốc tế khác, đặc biệt kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.

Còn đối với câu hỏi của đại biểu về thời điểm phục hồi? Như thế nào là phục hồi? Thời điểm nào là phục hồi? Bộ trưởng KHĐT cho rằng, đến nay, thực tế chưa có quan điểm, thống nhất đâu nào được đưa ra.

“Chúng tôi cho rằng, phục hồi là khi các hoạt động kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động đi lại trở lại như trước khi dịch, tốc độ tăng trưởng quay trở lại thời điểm trước dịch gọi là phục hồi” - ông Dũng nói.

Phục hồi phải có quá trình, thời điểm phục hồi. “Chúng ta dự tính là nếu bắt đầu từ đầu năm 2022, thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra cuối năm 2022 và tăng dần cuối năm 2023.

Cuối năm 2023, chúng ta thực hiện kiểm soát tốt, hiệu quả các gói chúng ta đưa ra thì chúng ra trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, kỳ vọng” - Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời.

Theo Đời sống
back to top