Khi mẹ bỉm sữa trầm cảm sau sinh…

Bị ám ảnh tiếng khóc của con, người mẹ đã muốn lấy bầu vú của mình làm ngạt con, rồi kết liễu đời mình… là một trong nhiều câu chuyện buồn của bệnh nhân trầm cảm sau sinh.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống về những tâm sự của bệnh nhân tên Thanh, 30 tuổi, mới sinh con 2 tháng, bị trầm cảm: "Trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc của con. Tôi bực tức đến mức chỉ muốn dùng bầu ngực làm ngạt bé, rồi kết thúc cuộc sống của mình".

Luôn văng vẳng tiếng khóc của con

Mỗi ngày chị Thanh ngủ được 3-4 tiếng, căng thẳng, tức giận vì vừa phải làm việc nhà, vừa chăm con nhưng không nhận được chia sẻ từ chồng. Chị u uất, suy nghĩ tiêu cực, trút bực tức lên đứa con nhỏ xíu.

GS.TS Vương Tiến Hoà: “Có thể phòng tránh bệnh trầm cảm”

Đa số những bà mẹ trầm cảm sau sinh thường là do tình trạng mất ngủ, cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn mà em bé lại quấy khóc khiến cho bà mẹ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. GS.TS Vương Tiến Hòa, Giảng viên cao cấp bộ môn Phụ Sản trường Đại Học Y Hà Nội cho rằng, trầm cảm hoàn toàn có thể phòng tránh, người mẹ dễ vượt qua khi thực hiện cách sau:

Chuẩn bị của người mẹ: Nên gặp bác sĩ tư vấn về các vấn đề thường gặp sau sinh, vấn đề chăm sóc con cái là hạnh phúc… tránh được những căng thẳng khi chăm sóc con. Hãy nhớ rằng, bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình, không so sánh mình hay con mình với người khác.

Nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi trong người. Nên hỏi bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé và tốt nhất nhờ một người thân mà bạn tin tưởng để chăm sóc mình và con.

Tránh kiêng cữ quá, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và tập thể dục thường xuyên không chỉ có tác dụng cho sức khỏe mà cũng là một trong những cách phòng tránh bệnh trầm cảm rất hiệu quả. Sống tích cực, suy nghĩ lạc quan.

Sự quan tâm của người thân: Xung đột mẹ chồng con dâu, quan niệm chăm sóc trẻ cũ, mới giữa các thế hệ và thái độ của người chồng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người mẹ. Vì vậy, người chồng, gia đình, người thân hãy quan tâm chia sẻ bằng hành động, bằng lời nói động viên, có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm và những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

"Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân trầm cảm nặng sau sinh nhưng người chồng không tin, cho rằng vợ mình bình thường và nhất quyết không cho chị nằm viện. Các bác sĩ đã phải thuyết phục nhiều lần, chị Thanh mới có thể nhập viện và điều trị ổn định", TS.BS Thu cho biết.

Đấy là trường hợp may mắn, còn thực tế đã có không ít cái chết thương tâm xảy ra do bà mẹ bị trầm cảm.

Điển hình như bà mẹ (43 tuổi) bị trầm cảm đã ra tay sát hại con trai (2 tuổi) rồi tự tử tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh, Hải Dương ngày 30/3/2022.

Tối 5/2/2022, người nhà phát hiện chị C. (34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ ở quận Bình Tân, TPHCM. Chị C. tử vong trong tư thế treo cổ, còn con gái tử vong trong máy giặt. Chị C. là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, còn chồng chị chạy xe ba gác. Trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm.

Trước đó, vào tháng 11/2020, một bà mẹ ở tỉnh Lâm Đồng đã dìm chết con trai 9 tháng tuổi do bé quấy khóc, kết quả điều tra cho thấy chị này bị trầm cảm hơn 2 năm và thường xuyên phải điều trị ở TPHCM...

Những vụ việc thương tâm trên một phần cũng do sự thờ ơ với trầm cảm của người thân trong gia đình, không kịp thời phát hiện hoặc có thể biết nhưng lại không tin, khi sự việc đau lòng xảy ra thì đã quá muộn.

Đơn độc chống chọi tâm bệnh

Các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy có đến 33% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và 50% trong số họ không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Sự đơn độc với tâm bệnh của người mẹ đã mang đến nhiều cái chết oan nghiệt.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám chiếm 20-30% tổng số ca mỗi ngày. Còn tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám và gọi tới tư vấn trong năm 2021 tăng lên khoảng 20% so với những năm trước.

Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Biểu hiện trầm cảm sau sinh như bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, lo âu, nghĩ bản thân và đứa bé là gánh nặng, có ý định tự sát một mình hoặc sát hại con...

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…).

Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỉ lệ tái phát cao từ 25-68%. Đặc biệt, có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng, như một số người mẹ có hành vi tự sát, thậm chí khiến con tử vong.

Ngoài ra, không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể phát triển thành trầm cảm lâm sàng nghiêm trọng. Ngoài cảm giác bơ phờ, lo lắng, tội lỗi, cô đơn và thường xuyên muốn tự tử, những bà mẹ bị trầm cảm thai kỳ có nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân cao gấp 3-4 lần bình thường. Cả hai yếu tố này dự báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho đứa trẻ. Con cái của họ nguy cơ bị suy giảm khả năng chú ý, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi, chậm phát triển ngôn ngữ, chỉ số IQ thấp hơn, thậm chí chúng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm sau này.

Bạn đời trầm cảm, cách nào thoát ra?

Cố gắng đứng cùng một đội với bạn đời: Không bỏ mặc bạn đời, hãy làm mọi cách để họ cảm thấy tốt hơn. Đi dạo cùng nhau, đi cùng bạn đời trong mỗi cuộc hẹn với bác sĩ, nhớ kỹ lịch uống thuốc, điều trị của bạn đời.

Tỉnh táo và vững vàng trong cảm xúc: Không giận dữ, oán hận khi sống cùng người bạn đời trầm cảm. Kéo gần khoảng cách vợ chồng, giúp họ tập trung chữa trị.

Nỗ lực thuyết phục bạn đời khám và chữa trị: Khi người bệnh trốn tránh việc chữa trị, bạn có thể nói: Trầm cảm là bệnh rất thường gặp và anh/em không phải xấu hổ. Em với anh cùng tìm hiểu nó nhé”.

Kiên nhẫn lắng nghe và chịu đựng: Luôn khuyến khích bạn đời nói về cảm giác, suy nghĩ của họ và cố gắng lắng nghe đừng phán xét.

Kiên nhẫn với tiến trình điều trị: Sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm thậm chí có sai lầm trong điều trị, nhưng tin tốt là một khi đã chịu đi khám, uống thuốc, điều trị tâm lý, bệnh nhân sẽ khỏi được bệnh.

MT

Theo Đời sống
back to top