Lấy bản sao gene người cho khỉ
Trang Vox đưa tin, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học của Bắc Kinh, các nhà nghiên cứu đã lấy các bản sao gene MCPH1 của con người, được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và cấy vào phôi của khỉ vẹt. Trong số 11 con khỉ vẹt biến đổi gene được tạo ra, có 6 con đã chết. 5 con sống sót đã trải qua một loạt các xét nghiệm, bao gồm quét não MRI và kiểm tra trí nhớ. Mặc dù chúng không có bộ não lớn hơn nhưng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ thuộc bộ nhớ ngắn hạn. Bộ não của chúng cũng phát triển trong một khoảng thời gian dài hơn, đó là điển hình của bộ não con người. Nghiên cứu này là nỗ lực đầu tiên thử nghiệm cơ sở di truyền của nguồn gốc não người bằng mô hình khỉ biến đổi gene.
GS.TS Lê Đình Lương, Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, về nguyên lý, hoàn toàn có thể làm được như vậy, nhưng pháp luật và đạo đức, các quy định của thế giới không cho phép thực hiện điều này. Việc sửa đổi và chuyển gene người là công nghệ dễ dàng sử dụng với từng cá nhân nhà khoa học, không cần đến những thiết bị quy mô cũng như nguồn tài chính lớn. Mặc dù có nhiều kỹ thuật phức tạp và đa dạng liên quan, nhưng nguyên lý cơ bản của thao tác di truyền lại khá đơn giản. Những phương pháp và công nghệ chủ yếu dùng hằng ngày tại các phóng thí nghiệm di truyền học là tách chiết ADN và các phương pháp lai phân tử, sửa đổi gene bằng enzym, gắn vào vector, phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR).
Thực tế thì những vi sinh vật khác nhau có rất nhiều gene chung, chủ yếu là những gene có chức năng chuyển hóa nòng cốt thừa hưởng từ quá khứ. Chúng có nhiều đặc điểm chung như thông tin di truyền đều nằm trong ADN hoặc ARN, mã di truyền chung và có tổ tiên chung. Trong quá trình tiến hóa, ở mỗi loài có phát sinh những gene riêng nhưng số lượng không nhiều. Ví dụ như giống khỉ chimpanzee có 30.000 gene, 98% gene giống như ở người. Nhưng khỉ không biết nói như người, có thể do gen FOXP2 bị mất vài đoạn. Hay giống chuột Mus musculus cũng có đến 90% gene giống người, nhờ chuột này mà người ta xác định được các gene hệ xương, gene béo phì và gene parkinson ở người.
Ác mộng đạo đức
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học thực hiện việc chuyển gene khác loài. Năm 1973, lần đầu tiên việc chuyển gene khác loài được thực hiện bởi Stanley Cohen và Herbert Boyer. Vì mã di truyền là ngôn ngữ chung cho các loài nên về nguyên tắc, gene của một loài có thể thực hiện chức năng của nó khi tồn tại trong cơ thể của một loài khác. Ví dụ những loài vi khuẩn khác nhau có thể nhận được các gene kháng chất kháng sinh của nhau bằng cách trao đổi các đoạn ADN nhỏ gọi là plasmid. Vào đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu ở California đã dùng kiểu trao đổi này để chuyển một phân tử ADN tái tổ hợp giữa hai loài khác nhau. Vào đầu những năm 1980, các nhà khoa học khác đã cải tiến kỹ thuật và đưa một gene của người vào vi khuẩn E.coli để sản xuất insulin và hormon sinh trưởng của người..
Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Đình Lương, việc chuyển gene ở ếch là có cơ sở khoa học chính xác 100%, còn việc chuyển gene ở khỉ là một sự thử nghiệm đầy tính mạo hiểm, làm mò nên rất nhanh cho ra kết quả và rủi ro rất cao. Bằng chứng là có 6/11 con đã chết. Việc chuyển gene này còn vi phạm đạo đức sinh học mà thế giới đặt ra. Nhiều người gọi đó là cơn ác mộng đạo đức.
“Việc lựa chọn khỉ để chuyển gene có lẽ vì khỉ có số lượng gene giống người nhiều nhất trong các loài động vật”, GS.TS Lê Đình Lương.