Mắc bệnh táo bón đã lâu, anh Nguyễn An Khang (Thái Nguyên) thường phải cố gắng ăn nhiều rau, ăn chuối, bưởi, khoai lang..., tuy nhiên, anh lại thường không uống đủ nước. Dạo này thời tiết lạnh, không hoạt động nhiều nên cơ thể anh không mất nước, khi nào khát thì anh uống, không khát thì thôi. Kết quả là sau bao nhiêu nỗ lực ăn uống, anh mắc bệnh táo lâu ngày và chuyển sang trĩ.
Lời bàn: PGS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng VN cho biết, nước rất quan trọng với cơ thể, 70% cơ thể là nước, nước chiếm 79% ở tim, 75% ở cơ, 83% ở khớp và xương được coi là khô khốc nhất cũng có tới 22% nước. Nước thông thường không có giá trị dinh dưỡng nhưng có nhiều chức năng, thiếu nước chúng ta tồn tại không quá 4 ngày. Nước giúp chuyên chở chất dinh dưỡng và oxy nuôi tất cả tế bào, giúp chuyển hóa thực phẩm ra năng lượng, cần thiết cho các chức năng cơ thể. Nước giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất thải của cơ thể qua hệ tiết niệu, da, ruột, hơi thở…Khi uống ít nước, cơ thể sẽ tạo phản ứng hấp thụ nước nhiều nhất và nhanh nhất ở cả ruột non và ruột già. Chính vì vậy, chất thải sau khi tiêu hóa sẽ chứa rất ít nước, chúng bị khô, vón cục lại gây táo bón. Để tránh táo bón, chúng ta phải cung cấp đủ nước cho cơ thể. Muốn cung cấp đủ nước phải xây dựng thói quen uống nước từ từ, uống ít một, uống cả khi không khát.
PT ghi