Kháng nghị huỷ án sơ thẩm vụ Vinasun kiện Grab

(khoahocdoisong.vn) - VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã bổ sung kháng nghị phúc thẩm của VKS TP, yêu cầu huỷ án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun đối với Grab.

Cụ thể, VKSND cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKS TP.HCM, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.

Theo tài liệu vụ án và tranh tụng tại phiên sơ thẩm, có đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cho phép, dựa theo đề án của Bộ GTVT và do thế không vi phạm pháp luật. Án sơ thẩm đã xác định Grab vi phạm đề án của Bộ GTVT và nghị định của Chính phủ là không có cơ sở.

VKSND cấp cao tại TP.HCM và VKS TP.HCM lập luận, án sơ thẩm căn cứ giám định của Công ty CP Cửu Long để tính thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Việc sụt giảm doanh thu liên quan tới nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải khác, sự thay đổi nhu cầu của hành khách… Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định.

Mặt khác, nếu doanh thu của Vinsun có sụt giảm, thì cũng do người tiêu dùng lựa chọn Grab vì ưu thế so với taxi truyền thống. Những hạn chế của Grab khi hoạt động tại Việt Nam không là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. Nên không thể bắt Grab bồi thường cho Vinasun.

Trước đó, khi khởi kiện, Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng cho hãng taxi truyền thống này.

Án sơ thẩm đã chấp thuận một phần nội dung khởi kiện, tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng. Sau đó, cả Vinasun và Grab cùng kháng cáo. Trong đó, Grab đề nghị hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp không đình chỉ thì sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm quy định nhà nước và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo KHDS
back to top