Kháng kháng sinh là 1 trong 10 mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, kháng thuốc kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Từ ngày 18 - 24/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động tuần lễ phòng, chống kháng thuốc năm 2021 với chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

nha-thuoc-1.jpg
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động tuần lễ phòng, chống kháng thuốc năm 2021 với chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”. Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Chống đề kháng kháng sinh toàn cầu (GARP), Việt Nam phần lớn kháng sinh được bán không cần đơn, chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Chủ yếu, người dân mua kháng sinh để điều trị ho và sốt.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn tiến phức tạp, tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

Covid-19 là do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm bệnh nặng thêm và tăng chi phí điều trị.

PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cảnh báo, hiện nay tốc độ điều chế ra các loại kháng sinh mới chậm hơn rất nhiều so với tốc độ đề kháng. Chúng ta phải chung tay kiểm soát và bảo vệ nguồn kháng sinh quý.

Nếu không cùng nhau sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ bắt gặp trường hợp bản thân mình hay người thân của mình bị bệnh mà không còn thuốc để sử dụng, hoặc chữa trị mà bị kháng thuốc.

Hiện nay, các tổ chức trên thế giới đều báo động về tỷ lệ đề kháng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh hợp lý là trách nhiệm của mỗi người, của mỗi ban ngành, đặc biệt là ngành y tế.

Theo kết quả Chương trình Quản lý Kháng sinh (AMS) tại Bệnh viện Chợ Rẫy tháng 10/2021, tỷ lệ sử dụng kháng sinh điều trị theo hướng dẫn của Bệnh viện đạt 96,6%, trong khi đó, tỷ lệ lựa chọn kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của Bệnh viện cũng đạt mức 98,4%.

Chương trình AMS tại Bệnh viện Chợ Rẫy được khởi đầu vào năm 2009, góp phần giảm tỷ lệ kháng thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, khi triển khai mô hình chuẩn về quản lý kháng sinh.

Theo một thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực Châu Á.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh như dùng thuốc chưa hợp lý, gồm: Lạm dụng kháng sinh cho các nguyên nhân gây ra do virus như cúm, dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng…

Theo Đời sống
back to top