Khám sức khỏe trước khi kết hôn vì chất lượng giống nòi

"Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" là chủ đề Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức.

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023, Hội nghị Tổng kết công tác dân số 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Chỉ 1/3 thanh thiếu niên tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, tình dục

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị

Hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023, Bộ Y tế đã chọn chủ đề:"Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 1994, tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự toàn cầu. Đến nay, vấn đề này vẫn là chủ đề rất đáng quan tâm của các hội nghị liên quan đến công tác dân số.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam độ tuổi 10 đến 24 cho thấy, hiện vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, và dễ dàng hơn.

Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như internet, truyền hình và mạng xã hội. Nhưng chỉ có một phần ba số đó tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…

Cùng với đó, trong xã hội hiện đại hiện nay, mối quan hệ mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được “trẻ hóa” khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là việc các trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn hay mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hơn lúc nào hết, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm từ các cấp, các ngành tới mỗi gia đình và cộng đồng.

Các đại biểu tham gia hội nghị

Các đại biểu tham gia hội nghị

Hiện nay, một bộ phận thế hệ trẻ vẫn còn thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm đến sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình, trong khi các chương trình về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tại các cấp học, các địa phương thì vẫn còn nhiều khoảng trống. Cách tiếp cận cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi này vẫn đang sử dụng phương pháp truyền thống. Việc áp dụng các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng… vẫn đang dừng lại ở quy mô thử nghiệm.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường còn sơ sài, đơn điệu. Hoạt động cung cấp thông tin và các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho các nhóm ưu tiên như nhóm vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn, nhóm vị thành niên (độ tuổi từ 10-14), nhóm vị thành niên khuyết tật, di cư, nhóm công nhân trẻ tại các khu công nghiệp, nhóm dân tộc thiểu số và nhóm vị thành niên có xu hướng tính dục khác nhau còn gặp nhiều thách thức.

Giải quyết toàn diện và đồng bộ triển khai các mục tiêu dân số trong tình hình mới

Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Bộ Y tế cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành y tế-dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước.

Mặt khác đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân. Cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như vị thành niên, thanh niên, người di cư...

Theo Đời sống
back to top