Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc vốn nổi tiếng với đá. Núi đá, công viên đá đến cả những thung lũng đá cũng bao la và đẹp. Thế nhưng, chỉ có một tảng đá được coi là bảo vật quý, mà là bảo vật quốc gia.
Ấy là bia đá Sùng Khánh. Một bia đá nói tới công trạng của những thủ lĩnh mộ đạo đất phên dậu này. Bia đá ấy, dù đã mòn, nhiều nét chữ đã không còn soi tỏ, nhưng khi bảo vật lên tiếng thì lớp hậu sinh cũng rõ ràng hơn về một vùng đất xa xôi của hơn 600 năm trước.
Trên đỉnh núi Nùng
Núi Nùng thuộc xã Đạo Đức của huyện Vị Xuyên. Ngọn núi này nguyên ẩn chứa không biết bao nhiêu những bí ẩn của Hà Giang. Núi nhỏ nhưng cao, phải qua đến gần 100 bậc thang mới lên được đến lưng chừng để chạm chân tới cổng chùa Sùng Khánh.
Chùa Sùng Khánh trên núi Nùng.
Cụ Nguyễn Chí Thái thuộc bậc cao niên nhất bản Nùng bảo rằng, trước ngọn núi là cấm địa của các tù trưởng. Dân thường xâm phạm đến là coi như phạm tội. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, nay thì đã khác. Người ta được khám phá tất cả ngóc ngách của ngọn núi. Thậm chí, có người còn mang máy lên dò tìm kho báu nữa.
Theo cụ Thái, núi Nùng trước hoang sơ. Bao nhiêu biến thiên của lịch sử và thời gian đã khiến ngọn núi rậm rịt cỏ cây hơn. Chùa vẫn còn đó nhưng do hoang vắng nên thú dữ còn về sinh sống, kiếm ăn. Tiếng hổ gầm còn vang cả bản làng vào ban đêm.
“Tôi nghe các cụ kể, ngọn núi là một trong những huyệt đạo long mạch của nước Việt ta, mà trước đây Cao Biền đã ghi lại và trình báo lên triều đình nhà Đường. Thế rồi, tướng Cao Biền cũng đã yểm huyệt đạo để chặn sinh khí tốt của ngọn núi”, cụ Thái cho hay.
Chùa Sùng Khánh cũng được xây dựng trên ngọn núi này vào khoảng những năm 1365. Chùa tuy không lớn nhưng trên ngọn núi cao nên bao lần giặc phương Bắc sang xâm lược mà không phá hủy nổi.
Lưng chừng núi, cổng chùa hiện ra không uẩn tịch mịch như chùa dưới xuôi. Nó chỉ giản đơn là hai cái cột lớn ghi câu đối, tạm dịch: Sơn thủy thanh cao xuân bất tận/Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.
Có phải chăng, xưa đây là chốn cảnh tiên với những kỳ hoa dị thảo và mây khói giăng giăng ôm ấp núi suốt tứ mùa bất kể tiết trời mưa nắng?
Chạm vào văn bia
Giữa cảnh đẹp của núi Nùng, bảo vật quốc gia là văn bia Sùng Khánh được bao bọc. Bia không để trong chùa, cũng không đặt phần Tam bảo mà được thiết kế phía bên tả.
Chùa không sư, có một người trông coi. Anh không nhận mình là ông từ, ông vãi mà chỉ đơn giản là người coi sóc. Anh cũng không nói tên nói họ nhưng rành rẽ về tấm bia này hơn bất cứ ai.
Chữ viết trên bia nhiều chỗ còn rõ ràng
Khách đến, anh đưa ra xem văn bia. Văn bia bị sờ nhiều đến độ mòn chữ. Người ta phải làm tủ kính, đặt văn bia vào trong nên những chữ nghĩa càng khó đọc. Nể khách, anh mới lấy khóa mở tủ, chỉ tay vào từng dòng mà đọc.
“… Chùa Sùng Khánh ở hương Hoằng Nông, giang Thông, trường Phí Linh là do người chú của vị Phụ đạo họ Nguyễn tên là Ẩn, tự là Văn Giác sáng lập. Ông không thích chăm lo sản nghiệp riêng mà lại ham cứu giúp người khác lúc khó khăn, lòng thì hâm mộ đạo Phật, không ăn thịt, không uống rượu, mỗi tháng ăn chay 10 ngày và đọc kinh, lấy đó làm lệ thường.
Hương này vốn không có chùa, lại ở nơi hẻo lánh, núi non sầm uất, có suối trong tuôn chảy, ông thấy mến cảnh, bèn dựng chùa làm nơi hương khói sớm hôm. Chùa được dựng từ tháng giêng đến tháng tư năm Bính Thân (1356) niên hiệu Thiệu Phong thì hoàn thành, đặt tượng Phật vào. Ông lại đặt tên chùa là Sùng Khánh, lại cúng vào chùa một viên (mẫu) ruộng để cấp cho người trụ trì”.
Đọc xong nội dung văn bia, anh này mang thước ra đo để khách thấy. Bia dựng trên mình rùa, hai mặt được bào nhẵn, dày 10,5cm, thân cao 90cm và bề ngang là 47cm. Trán bia là hình bán nguyệt, ở giữa chạm hình Phật ngồi trên toà sen, bên cạnh có 1 đệ tử đứng chắp tay trước ngực.
Hai góc trên trán bia là hai hình rồng chầu, đầu rồng vươn cao về phía toà. Xung quanh thân bia được trang trí đường diềm hoa dây, phía dưới chân bia là hình sóng. Trên cột dọc ở đầu văn bản có khắc 7 chữ “Sùng Khánh tự bi minh tính tự”. Văn bản chữ Hán khắc ở mặt trước bia gồm bài tựa, bài minh và dòng lạc khoản, mặt sau bia chỉ có 2 dòng chữ Hán xen Nôm ghi việc cúng ruộng và nô tì cho chùa.
Anh này cho biết: “Khi chưa được công nhận là bảo vật quốc gia thì dân bản chúng tôi vẫn coi đây là báu vật. Cứ đời này kể cho đời kia nghe nên cũng từ đó mà có hội, gọi là hội Lồng Tồng để nhớ ơn thần linh”.
Những chuyện tạp ghi
Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang là người tường những chuyện hay quanh núi Nùng lẫn văn bia Sùng Khánh. Ông cũng là người có công trong việc dò tìm, sưu tầm lẫn làm hồ sơ để Nhà nước công nhân Sùng Khánh văn bia là bảo vật quốc gia.
Một trong những chuyện, được coi là tạp nhưng nhiều người quan tâm khi đến thăm văn bia là ở làng Nùng không có liệt sĩ. Chuyện này do ông Nguyễn Văn Khai là trưởng thôn xác nhận.
Ông bảo: “Làng tôi cũng như bao làng khác, mỗi khi đất nước cần thì thanh niên nô nức lên đường ra tiền tuyến. Trong cả ba cuộc chiến tranh với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Trung Quốc, thanh niên làng tôi tòng quân cũng đông mà không ai hy sinh cả. Chuyện này người thì cho là may mắn, người thì bảo do thần linh chùa Sùng Khánh phù hộ”.
Cũng theo ông Khai, ở làng Nùng có nhiều sự lạ. Có những năm, trời nóng không cần quạt, trời rét không cần chăn. Một số người vốn hiểu phong thủy mới mách là đất tốt gần đầu rồng nên mới thế.
Chẳng biết chuyện thật hư ra sao, nhưng gần 200 hộ người Tày ở bản Nùng cứ coi Sùng Khánh văn bia là gốc tích của mình. 600 năm trước cha ông họ đã ở đây, lập ngôi chùa này và đặt họ quanh chân núi để được hưởng những phần phúc của tiên tổ mộ đạo.
“Ngôi chùa này do một vị phụ đạo – viên quan nhà Trần cai quản vùng biên cương này xây dựng. Chế độ phụ đạo ở đây được cha truyền con nối và những người họ Nguyễn giữ chức phụ đạo này hẳn là những người gốc họ Lý được sai phái lên cai quản vùng biên ải phía Bắc, đã phải đổi sang họ Nguyễn vào thời Trần. Ngôi chùa này vào thời Trần đã có tượng Phật”.
GS.Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm)
Trần Hòa