Tổng công ty Viglacera cho biết đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Theo đó, Viglacera bị cơ quan thuế kết luận là có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp quy định. Vì vậy, doanh nghiệp này bị phạt 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là hơn 1,4 tỷ đồng.
Khai sai thuế, Viglacera bị xử phạt và truy thu thuế hơn 11 tỷ đồng. |
Đồng thời, buộc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu là 7,17 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế hơn 2,48 tỷ đồng cho các năm từ 2018 đến 2022.
Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, xử phạt và tiền chậm nộp thuế mà Viglacera phải nộp là hơn 11 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp thuế nên trên được tính hết ngày 29/12/2023.
Ngoài ra, doanh nghiệp này phải giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau kỳ tính thuế tháng 12/2022 số tiền 877 triệu đồng.
“Công ty phải nộp số tiền truy thu qua thanh tra, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế theo quy đinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận Quyết định này”, văn bản của Tổng cục Thuế nêu.
Theo kết quả kinh doanh sơ bộ công bố hôm 10/1, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.590 tỷ đồng năm ngoái. Kết quả này vượt kế hoạch cả năm hơn 30%, nhưng vẫn giảm 31% so với năm 2022. Tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận ước đạt 1.919 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch cả năm.
Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 13.500 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng. Viglacera lên kế hoạch giảm lãi khi dự tính kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và có thể vẫn khó khăn trong nửa đầu năm 2024. Doanh nghiệp này sẽ tập trung khắc phụ những vẫn đề còn tồn tại năm 2023, cũng như tập trung triển khai việc thoái vốn đầu tư nhà nước.
Trong các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Viglacera, Công ty Viglacera Hạ Long có lẽ là khó khăn nhất và phải dừng hoạt động nhà máy ngói Hoành Bồ, nhiều dây chuyền sản xuất bị đình trệ, hàng trăm cán bộ, công nhân viên phải nghỉ việc.
Năm 2024, dự báo tình hình Viglacera Hạ Long sẽ tiếp tục khó khăn do giá than cao, nguyên liệu đất sét đầu vào xấu, không đủ để sản xuất; công tác xin cấp mỏ, đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ngày càng tăng và sản phẩm của Công ty tiêu thụ chậm.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Viglacera là Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex nắm hơn 50% vốn. Bộ Xây dựng còn sở hữu khoảng 38% và đã kế hoạch thoái hết phần vốn này.