2 giám thị bị đình chỉ coi thi vì thí sinh chụp hình đề gửi ra ngoài
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% đã kết thúc.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban chỉ đạo thi kỳ thi THPT quốc gia 2019, kỳ thi đã diễn ra "an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng".
Toàn quốc có 06 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 thí sinh bị cảnh cáo, 04 thí sinh bị khiển trách).
Trong số cán bộ coi thi vi phạm, có 2 trường hợp bị đình chỉ do liên quan đến vụ việc thí sinh dùng điện thoại chụp đề thi môn Ngữ văn, gửi qua tin nhắn mạng xã hội ra ngoài nhờ bạn làm.
Cụ thể, thí sinh Trần Đình Xuân, phòng thi số 0377, điểm thi số 22, Trường THPT Thanh Sơn (Phú Thọ), là thí sinh tự do, do không làm được bài đã dùng điện thoại di động chụp ảnh đề thi môn ngữ văn gửi cho Đinh Công Lâm (22 tuổi, trú tại phố Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) nhờ giải hộ.
Anh Lâm không giải được, lại tiếp tục gửi hình ảnh của đề thi cho chị Trang, sinh viên Trường đại học sư phạm 2 ở Vĩnh Phúc. Sau khi giải xong câu 2 và câu 3 của phần đọc hiểu môn ngữ văn, chị Trang gửi cho anh Lâm để anh này gửi vào cho Xuân.
Thí sinh Trần Đình Xuân đã bị đình chỉ thi. Và 2 giám thị coi thi là Phí Thị Mai Linh, giáo viên Trường THPT Minh Hò (huyện Yên Lập, Phú Thọ) và Nguyễn Văn Huyên, giảng viên Học viện Ngoại giao cũng bị đình chỉ công tác coi thi.
Có một số trường hợp thí sinh ngủ quên, đã đến muộn quá 15 phút sau khi phát đề thi, không được vào phòng thi. Một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong (Hà Giang) may mắn được giám thị phát hiện sự vắng mặt, đã nhờ công an và cảnh sát giao thông dùng xe chuyên dụng tới đón, vẫn đến kịp giờ thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra trong thời tiết nắng nóng. |
Thí sinh Nguyễn Ngọc Khánh, Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, em thấy việc thực hiện quy chế thi khá nghiêm túc. Các giám thị thi phổ biến quy chế thi rõ ràng, cụ thể đến từng học sinh. Cũng còn một số sơ sót nhưng theo em rất nhỏ. Ví dụ như giám thị đã không xem kỹ phần khoanh số báo danh, có một số thí sinh vẫn khoanh bằng bút bi.
Phụ huynh đứng chờ con trong thời tiết nắng nóng gay gắt ở Hà Nội. |
Đề thi có tính phân loại cao, gây tranh cãi
Một trong những điểm nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đó là chất lượng đề thi.
Là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi trong buổi thi môn tiếng Anh, kỳ thi THPT Quốc gia 2019, thí sinh Đỗ Minh Châu (học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt của các anh chị tình nguyện viên và một số phụ huynh đến đón con khi bước ra cổng trường cùng với nụ cười tươi.
Thí sinh bước ra trong tiếng vỗ tay chúc mừng. |
Tràng pháo tay thêm một lần nữa vang lên cùng lời chúc mừng khi Châu cho biết, em làm bài thi rất tốt.
“Đề thi khá là vừa sức, có 1, 2 câu khá khó theo kiểu phân loại học sinh. Hầu hết các dạng bài này chúng em đã được luyện ở trên lớp rồi, nên em thấy dễ. Thực ra, cũng còn 1 câu em còn hơi băn khoăn”, Minh Châu chia sẻ.
Không chỉ đối với môn thi Ngoại ngữ, mà với tất cả các môn, từ môn Ngữ văn, Toán, tổ hợp bài thi KHTN, bài thi KHXH, rất nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi đều với nụ cười tươi vì làm bài tốt, đề vừa sức, thậm chí dễ đối với một số thí sinh.
Theo đánh giá của các giáo viên ở các bộ môn thi, đề thi THPT QG 2019 ở mức vừa sức, không đánh đố. Tuy nhiên, vẫn có sự phân loại cao, đáp ứng mục tiêu vừa để xét tuyển tốt nghiệp, vừa đủ để cho các trường đại học tuyển sinh.
Riêng với đề thi môn Ngữ văn đã gây một số tranh luận trái chiều. Một luồng ý kiến từ các giáo viên cho rằng đề đủ mức “an toàn”, khá hay.
Còn một luồng cho rằng, đề thi chưa hay. Cụ thể, trích đoạn thơ trong phần Đọc hiểu không thực sự hay, tiêu biểu. Một số hình ảnh so sánh của trích đoạn thơ như cánh buồm căng “bay trên biển như bồ câu trên đất”, hay “mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa” khiên cưỡng…
“Mong các thầy cô chấm thi công bằng, đừng như năm 2018”
Bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội đã kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Nhiều thí sinh bước khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, phấn khởi.
Niềm vui khi làm bài thi tốt. |
Khi được hỏi về có lời nhắn gửi gì đối với các thầy cô giáo làm công tác chấm thi, nhiều thí sinh đều chung cảm xúc: Mong các thầy cô chấm thi công tâm, công bằng.
Thí sinh Minh Anh (Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) nói: “Em muốn các thầy cô sẽ chấm một cách công tâm nhất. Nhất là đối với môn Văn, đúng theo barem điểm Bộ đề ra”. Minh Anh cho biết, đã làm khá tốt môn Sử. Môn làm băn khoăn nhất là môn Ngữ văn, vì phần Đọc hiểu nhưng em lại không hiểu lắm nội dung đoạn thơ cũng như câu hỏi.
Mong các thầy cô giáo chấm thi công bằng. |
Còn thí sinh Quỳnh Anh, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội bày tỏ: “Con chỉ mong năm nay các thầy cô chấm công bằng, đừng như năm ngoái, 2018, đó là việc theo con quan trọng nhất. Vì nhiều bạn con thấy làm được bài. Nếu như chấm như năm ngoái, những bạn học giỏi, làm bài thi tốt sẽ không vào được những trường mà mình mong muốn. Trong khi đó, những bạn không có thực lực lại vào được trường tốp đầu”.
Thi xong rồi, về nhà đi con! |
“Dù kết quả thế nào, con vẫn là con của ba mẹ”
Trong nhóm phụ huynh đứng chờ con thi trước điểm thi ở Trường THPT Amsterdam, Hà Nội, chị Hoa liên tục nhìn đồng hồ, tỏ vẻ sốt ruột.
Chị chia sẻ, suốt cả kỳ thi này, con gái chị hôm nào cũng khóc. Ở buổi thi môn tiếng Anh, trước khi giám thị phát đề, con gái chị đã bị nôn. Sau buổi thi, cháu lên phòng khóa kín cửa, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, bỏ cả ăn. Đến 2h sáng, chị nhắn tin cho con: “Con à, dù kết quả thế nào, con vẫn là con của ba mẹ. Không phải cứ thi trượt là học dốt. Ba mẹ không bao giờ trách con, cũng không đòi hỏi gì ở con cả”.
Sau khi nhắn tin như vậy, con gái đã chịu ra khỏi phòng, nói chuyện với bố mẹ. Nhưng đến buổi thi cuối cùng, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, trong khi các thí sinh đã ra gần hết, vẫn không thấy con đâu, mãi chị Hoa mới phát hiện con đang đứng dựa vào bờ tường ở tít đằng xa. Chị phải nhờ một công an vào trường, dắt con ra. Chị chia sẻ, chị rất lo con sẽ bị trầm cảm sau kỳ thi. Cháu học khá, nhưng khi làm bài do phân bố thời gian không hợp lý, câu khó thì làm tốt, trong khi bỏ những câu dễ. Cháu sợ mình sẽ bị trượt nguyện vọng 1. Cả hai vợ chồng chị cũng mất ăn mất ngủ theo con.