Cụ thể, ông Đông cho biết, từ tháng 5/2019, Ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển, tháng 7/2019 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại Ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ GTVT.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được.
Ông Đông cho biết thêm, trong các phân đoạn đầu tư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo khai thác và xây dựng hiệu quả kết nối các tuyến đường có khả năng thu hồi vốn.
"Các phân loại đầu tư đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đảm bảo cho khai thác khi xây dựng xong, hiệu quả đảm bảo kết nối các tuyến đường, và có khả năng thu hồi vốn", ông Đông nói.
Về lựa chọn nhà đầu tư, ông Đông cho biết, theo quy định của pháp luật thì vốn điều lệ của nhà đầu tư phải 20% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, vốn đầu tư dự án đường cao tốc ở mức khá cao, các nhà đầu tư trong nước khó có thể đáp ứng.
Ông Đông cho rằng, các nhà đầu tư trong nước cũng có khả năng thực hiện khi liên kết cùng tham gia một số dự án nhất định trong quá trình đầu tư. Thực tế, đã có một số hồ sơ liên kết của các nhà đầu tư trong nước được gửi lên Ban Quản lý dự án.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 22, được xây dựng theo hình thức PPP, với 8 dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 - 2020) dự kiến đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần như trên.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án thu hút đầu tư khoảng 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quốc hội đã yêu cầu các dự án cơ bản hoàn thành năm 2021.