Kênh nhà Lê được công nhận di tích cấp quốc gia.
Vùng đất nhiều sông ngòi
Nghệ An là một trong những tỉnh ở nước ta có nhiều sông ngòi tự nhiên. Hàng trăm con sông dài, ngắn, lớn nhỏ bắt nguồn từ đại ngàn phía tây chảy về cửa biển phía đông, hoặc từ núi non khe suối nội vùng giăng bủa theo nhiều hướng từ nam chí bắc, tạo nên nguồn nước ngọt dồi dào đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đời sống con người và mọi loài động vật, sinh vật khác.
Sông Cả còn có tên là sông Lam, là con sông mẹ của các con sông con. Trong đó có những sông con mà dòng chảy tuôn đều và đi xa như sông Hiếu, sông Giăng, sông Mai, sông Cấm…
Ngoài những con sông tự nhiên do “trời đất” ban tặng, trên dải đồng bằng đất Nghệ, còn có một con kênh xuyên suốt Nam – Bắc từ đất Hưng Nguyên đến Quỳnh Lưu thông ra tỉnh ngoài do công sức của con người đào núi, phá đá, khơi đào, nạo vét thành.
Kênh nhà Lê được đẻ ra từ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Châu Hoan là nơi phên dậu phía Nam của đất nước Đại Việt và cũng là vùng trận mạc từng nhiều phen đấu chọi với quân Champa vượt đèo Ngang và đèo Quy Hợp (ở Hương Khê ngày nay) sang xâm chiếm và đánh phá chúng ta.
Vua Lê Đại Hành đích thân chỉ đạo đào kênh nhà Lê
Kinh đô Đại Việt ở cách xa vùng biên ải nay hàng trăm dặm, việc vận chuyển binh lính, lương thảo ra mặt trận bằng đường bộ rất khó khăn, phải vượt qua bao nhiêu ghềnh thác và thú dữ.
Năm Nhâm Ngọ (982), Lê Hoàn kéo quân từ kinh đô Hoa Lư vào phía Nam. Khi đi qua vùng Đồng Cổ- Bà Hòa, đèo suối gập ghềnh, núi non rậm rạp. Ông đã cho đào một con kênh bắt đầu từ Yên Định đến Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nối thông đường đi sâu vào phía Nam.
Năm Quý Mão (1003) Lê Hoàn từ Hoa Lư vào Châu Hoan (đất Nghệ Tĩnh hiện nay) đích thân chỉ đạo đào kênh Đa Cái (tức con kênh Đước- nay thuộc xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên) nhân tạo thành tuyến đường thủy Nam Bắc châu Hoan thông đến Hoa Lư (Ninh Bình) dài mấy trăm dặm. Khởi điểm từ Đa Cái, bởi đây là trung tâm của đất Hoan Châu, tạo nên luồng lưu thông cơ động nhiều hướng.
Con kênh Đước được nối với sông Lam bằng một khúc sông ngắn có tên Cồn Mộc (sông Vinh hiện nay) ra Bến Thủy, ngược theo sông Lam đi lên vùng thượng lưu giáp với đất Ai Lao (Lào), rẽ sang sông La đi về phía Nam tới tận Đèo Ngang. Cũng từ Bến Thủy theo hướng đông- bắc ra cửa biển Đan Thai (Cửa Hội ngày nay) thuận buồm vào Nam ra Bắc.
Sở dĩ nhà vua phải đích thân chỉ huy việc đào kênh Đa Ái bởi công trình này rất lớn có tầm chiến lược vừa dài lại vừa đi qua nhiều vùng địa hình phức tạp: đèo xuối, ruộng đầm nông sâu khác nhau, trong lúc đó nguồn lao động nghèo nàn, đòi hỏi phải có một khuôn phép rắn rỏi và quyền uy tối thượng của nhà vua mới đảm bảo giải quyết nghiêm túc mọi diễn biến trên công trường.
(còn nữa)
Trịnh Dương