Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, không thể thiếu đối với sức khỏe con người, kẽm có liên quan chặt chẽ với bệnh tiêu chảy. Một số cơ chế tác dụng tốt của kẽm với cơ thể như kẽm làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các tác nhân gây bệnh, kẽm giúp cơ quan tiêu hóa phát triển góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của ruột vốn bị rối loạn trong thời gian tiêu chảy, kẽm làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn... Do vậy, việc bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết.
Kết quả của các nghiên cứu đều đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng nước trong phân, số lần đi ngoài, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những trẻ bị tiêu chảy mà không được dùng kẽm. Trong điều trị dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ mắc mới tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ em bắt buộc phải bổ sung kẽm. Ngoài ra, có thể phối hợp với bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin A... để giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.
Kẽm có vai trò rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy trẻ em. Để không bị thiếu kẽm nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm. Chú ý cho trẻ ăn thức ăn có nguồn gốc động vật (trai, hến, thịt gà...), uống bổ sung khi trẻ có biểu hiện thiếu kẽm (cần khám và tư vấn bác sĩ dinh dưỡng trước khi dùng). Trẻ lớn nên cho trẻ ăn thức ăn nhiều kẽm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...), giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu. Sữa công thức, bột dinh dưỡng, bánh quy, bánh cho trẻ em là các thực phẩm có bổ sung kẽm. Ngoài ra, nên chọn các sản phẩm có kẽm dưới dạng sirô, dạng cốm hay cốm/sirô đa vi chất dinh dưỡng có chứa kẽm… nhất là khi trẻ bị tiêu chảy, hay nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ cần nhu cầu kẽm cao hơn bình thường.