Kẽm cần cho cơ thể

(khoahocdoisong.vn) - Kẽm là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động của enzyme trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý.

Cũng như canxi và vitamin D là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người, kẽm đóng một vai trò quan trọng vì là thành phần cấu trúc nên các loại protein, kẽm hoạt động như một loại enzym đồng yếu tố, và có chức năng điều hòa quá trình phiên mã của một loại các tế bào và quá trình sinh hóa của cơ thể. 

Các nghiên cứu về các tế bào tạo cốt bào được nuôi cấy đã chứng minh rằng kẽm có khả năng kích thích quá trình hình thành xương, góp phần cải thiện lắng đọng canxi trong xương. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi ức chế yếu tố nhân kappa B – một chất trung gian của quá trình viêm và hủy xương, kẽm có thể làm giảm sự khác biệt của các tế bào osteoclast, từ đó ức chế quá trình hủy xương.

TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, thiếu kẽm là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Các nghiên cứu đã chứng minh, thiếu kẽm có thể ảnh hưởng đến chức năng của vitamin D trong quá trình chuyển hóa canxi. Thiếu kẽm cũng làm cản trở hoạt động đồng hóa của vitamin D trong các mô xương.

Để duy trì được sức khỏe xương một cách tối ưu cần duy trì các thói quen tốt trong suốt cả cuộc đời, những thói quen này bao gồm một chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Bổ sung đầy đủ canxi thông qua chế độ ăn là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có ích khi tiêu thụ đầy đủ và cân bằng các đồng yếu tố khác cũng giúp duy trì sức khỏe xương thông qua chế độ ăn, bao gồm vitamin D, magiê, vitamin K2 và kẽm. Những vi chất dinh dưỡng này sẽ hoạt động phối hợp cùng với nhau để đảm bảo rằng quá trình chuyển hóa hỗ trợ tái cấu trúc xương sẽ hoạt động hiệu quả trong suốt cả cuộc đời.

Những người có chế độ ăn nhiều chất bột ít chất đạm nên bổ sung kẽm bởi phần lớn kẽm từ thực phẩm xuất phát từ các sản phẩm thịt. Những người bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh viêm ruột loét miệng, viêm ruột kết, bệnh thận mạn tính nên tăng cường kẽm.

Một số thực phẩm giàu kẽm nên bổ sung vào chế độ ăn uống như hàu, củ cải, đậu, yến mạch, đậu phộng, sò, hạt bí ngô, thịt đỏ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và gừng. Thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu là nguồn thực phẩm tốt nhất vì kẽm trong những thực phẩm này có thể hấp thu dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia, học sinh nên được bổ sung kẽm bằng các thực phẩm giàu đạm như thịt, gia cầm, cá và hải sản. Hàu đặc biệt rất giàu kẽm. Cây họ đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm từ sữa cũng chứa kẽm. Cơ thể con người không có hệ thống dự trữ kẽm tốt, do đó cần phải ăn những thực phẩm giàu kẽm mỗi ngày.

Theo Đời sống
back to top