Theo ông Harsh Modi, nói đến ngân hàng không chỉ nói đến lãi suất, mà còn là sự tăng trưởng kinh tế. Những nền kinh tế có hệ thống ngân hàng số phát triển sẽ có triển vọng tạo ra sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh và quản trị. Từ đó, các ngân hàng có thể hoạt động kinh doanh tốt hơn, không chỉ nâng biên lợi nhuận ròng mà còn có thể giúp cho tăng trưởng tín dụng tăng lên, cũng như mang lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cao hơn trong vòng 2 - 3 năm sau đó.
Giám đốc Tài chính của JP Morgan Chase khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng nhận định, số hóa ngân hàng chính là động lực giúp tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là với những quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế tốt như Việt Nam.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến tới số hóa đồng bộ sẽ giúp cho nâng cao năng lực cạnh, đem lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ nhất cho khách hàng. Nhất là khi Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, đang ở những bước đầu phát triển dịch vụ tài chính trên di động và thị trường còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Chắc chắn sẽ có nhiều thách thức trong giai đoạn đầu thực hiện số hóa. Nhưng sau khi vận hành trơn tru thì lợi nhuận ngân hàng chắc chắn sẽ tăng lên.
Hiện nay, phần lớn các ngân hàng nội địa Việt Nam đều đang có chiến lược số hóa, và định hướng chuyển đổi mô hình ngân hàng kinh tế cũ sang phát triển ngân hàng số.
“Số hóa ngân hàng là việc rất quan trọng, nhiều ngân hàng của Việt Nam có thể tiến tới áp dụng mô hình ngân hàng số thuần túy trong vòng 12 - 18 tháng tới”, ông Modi dự đoán.
Theo mục tiêu của Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử… Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt ngành ngân hàng trong việc thực hiện số hóa...