Mới đây, ông Harsh Modi, giám đốc tài chính của JP Morgan Chase khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản đã nhắc đến hệ thống ngân hàng Việt Nam trong buổi phỏng vấn trực tuyến với hãng tin CNBC.
Theo ông Modi, những năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường rất tích cực làm sạch hệ thống ngân hàng. Kinh tế Việt Nam được hưởng rất nhiều lợi thế từ những liên kết kinh tế khu vực. Thặng dư tài khoản luôn được duy trì ở mức cao, đảm bảo đủ lượng thanh khoản trong nước, do thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Tất cả những điều trên đã giúp các ngân hàng Việt Nam tăng trưởng nhanh mà không cần quá nhiều vốn trong thời gian dài. Tùy vào từng ngân hàng khác nhau, lợi nhuận của các ngân hàng luôn tăng 15 - 20%.
Quan trọng hơn, Việt Nam cũng đã dần nới lỏng việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Điều này càng làm tăng khả năng dự báo phục hồi nhanh và tăng trưởng trong dài hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây là trường hợp khá hiếm vào thời điểm này và đó chính là lý do tại sao JPMorgan Chase quan tâm hệ thống ngân hàng nước này hơn tất các khu vực khác.
Tuy nhiên, ông Modi cũng cho rằng đây là thách thức lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi muốn tham gia đầu tư, mua cổ phần ở Việt Nam. Bởi Việt Nam là một thị trường được điều tiết, bao gồm cả các quy tắc liên quan đến cổ phiếu. Đơn giản là vì Nhà nước giới hạn sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, tỷ lệ vốn đầu tư của bên nước ngoài trong liên doanh ngân hàng thương mại không được vượt quá 50% (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng chính phủ quyết định).
Có thể trong thời gian tới, các giới hạn này sẽ được nới lỏng, dù đại diện phía JPMorgan Chase nói không biết cụ thể khi nào, nhưng chắc chắn ngân hàng Việt Nam sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại, những người có tầm nhìn xa và có khả năng xây dựng vị thế của mình trong tương lai.