Bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, cho biết mướp đắng rừng (hay còn gọi là khổ qua rừng) là một loại cây mọc hoang dại, có vị đắng mạnh hơn so với mướp đắng thường.
Mướp đắng rừng là một loại cây thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae), có nhiều đặc tính dược liệu quý và được sử dụng rộng rãi trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại.
Mướp đắng rừng được coi là một dược liệu quý, có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe - Ảnh minh hoạ |
Tác dụng theo y học hiện đại
Giảm đường huyết: Mướp đắng rừng chứa các hoạt chất như Charantin và Polypeptide-P, có tác dụng tương tự insulin, giúp điều chỉnh đường huyết. Điều này làm cho mướp đắng rừng trở thành một dược liệu quan trọng trong hỗ trợ điều trị tiểu đường loại 2.
Chống oxy hóa và bảo vệ tế bào: Mướp đắng rừng giàu Vitamin C và Flavonoid, có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương tế bào và làm chậm quá trình lão hóa.
Tăng cường miễn dịch: Các nghiên cứu cho thấy mướp đắng rừng có khả năng kích thích hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, vi rút và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Hỗ trợ giảm cân: Nhờ khả năng giảm lượng đường trong máu và điều hòa lipid, mướp đắng rừng có tác dụng hỗ trợ giảm cân tự nhiên, đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát lượng mỡ thừa.
Tác dụng chống ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất có trong mướp đắng rừng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là các loại ung thư vú, ung thư tuyến tụy và ung thư đại trực tràng.
Chống viêm và kháng khuẩn: Mướp đắng rừng có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn và nấm gây bệnh, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và nhiễm trùng ngoài da.
Tác dụng trong y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, mướp đắng rừng có tính hàn, vị rất đắng, quy vào các kinh Tâm, Can, Tỳ Phế và có các công dụng như sau:
Thanh nhiệt, giải độc: Mướp đắng rừng có tính mát mạnh, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể, đặc biệt hữu ích trong các bệnh do nhiệt độc gây ra như viêm nhiễm, mụn nhọt, rôm sảy, và phát ban.
Lợi tiểu, thông tiện: Mướp đắng rừng giúp lợi tiểu, thông tiện, hỗ trợ trong các bệnh lý liên quan đến tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt. Ngoài ra, nó còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm chứng táo bón.
Kiện tỳ, ích vị, tiêu thực: Hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, kích thích cảm giác thèm ăn.
Trừ tà hỏa, an thần: Giảm căng thẳng, an định tinh thần, giúp giấc ngủ tốt hơn, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp bị mất ngủ do nhiệt tà quấy rối.
Minh mục: Giúp sáng mắt, hỗ trợ các bệnh về mắt như viêm kết mạc, đau mắt đỏ do nhiệt độc.
Cách sử dụng mướp đắng rừng
Theo bác sĩ Chu Thị Dung, mướp đắng rừng có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như:
Sắc uống: Thường được dùng trong các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, giảm đường huyết và hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da.
Nấu canh hoặc làm món ăn: Mướp đắng rừng có thể được chế biến thành các món ăn, giúp tăng cường sức khỏe, thanh nhiệt cơ thể.
Bột mướp đắng rừng: Sau khi được phơi khô, mướp đắng rừng có thể được nghiền thành bột và sử dụng như một loại thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường và tăng cường sức khỏe.
Bác sĩ Dung lưu ý với người có tỳ vị yếu, dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy, cần hạn chế sử dụng mướp đắng rừng, vì tính hàn của nó có thể làm tăng các triệu chứng này. Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng mướp đắng rừng vì có thể gây co bóp tử cung.
Mặc dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng việc sử dụng quá liều mướp đắng rừng có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Tốt nhất cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng mướp đắng rừng
"Mướp đắng rừng là một dược liệu quý, có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe, cả trong y học cổ truyền lẫn y học hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ, cần sử dụng đúng cách và đúng liều và tốt nhất nên sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc người có chuyên môn", bác sĩ Dung khuyến cáo.