IMF: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,5%

(khoahocdoisong.vn) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 6% trong năm 2021. Đáng chú ý, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, chủ yếu nhờ các chính sách chưa từng có của các quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Mức tăng trưởng dự báo vừa đưa ra cao hơn con số 5,5% được dự báo cách đây gần 3 tháng, cao hơn mức 5,1% được dự báo hồi cuối tháng 1 và cao gần gấp đôi mức dự báo vào tháng 10 năm ngoái. Như vậy, điều này cho thấy triển vọng tươi sáng của nền kinh tế toàn cầu.

Về Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Tổ chức này khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.

Báo cáo này cũng nêu rõ, sự khác biệt lớn giữa triển vọng kinh tế Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác nhờ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mới nhất tại Hoa Kỳ. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ lên 6,4% trong năm nay. Tại các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, ước tính tốc độ tăng trưởng chung sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay. Trong đó, dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng tới 12,5%.

Báo cáo cho hay: "Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập. Tốc độ này phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố trong nền kinh tế, điển hình như sự phụ thuộc vào du lịch".

Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cảnh báo, tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại một số quốc gia có khả năng cao sẽ gia tăng vì những người lao động trẻ và những người có tay nghề thấp vẫn còn bị tác động nặng nề. Điều này không chỉ diễn ra tại các nước phát triển, mà còn ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi. Tỷ lệ tuyển dụng nữ lao động thấp hơn sẽ càng khuếch đại sự bất bình đẳng.

IMF cho rằng các chính phủ nên tiếp tục tập trung vào "việc thoát khỏi khủng hoảng Covid-19" bằng cách cung cấp hỗ trợ tài khóa. Ở giai đoạn 2, các nhà quyết sách sẽ cần phải hạn chế những thiệt hại kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và gia tăng đầu tư công.

Ngoài ra, trong vài tháng tới, lạm phát trên toàn cầu có thể biến động mạnh vì mức giá hàng hóa rơi xuống thấp kỷ lục tại thời điểm một năm trước. Tuy nhiên, IMF cho biết xu hướng tăng của lạm phát có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn.

Theo Đời sống
back to top