<div> <p>Ngày 8/4, ông Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm là Bộ trưởng GD&ĐT, thay ông Phùng Xuân Nhạ.</p> <p>TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Phú Xuân, cho rằng Bộ trưởng GD&ĐT là vị trí thách thức và khó khăn.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Bo truong GD&DT Nguyen Kim Son anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/08/znews-photo-zadn-vn_0b2a4148.jpg" title="Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: <em>VNU.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Vị trí đầy thách thức</h3> <p>"Tôi kỳ vọng bộ trưởng mới giữ được tiến độ cải tổ giáo dục trong những năm qua và tiếp tục phát huy những giá trị đã có. Chúng ta đã tiến hành cải cách giáo dục nhiều và vẫn dang dở. Tôi hy vọng bộ trưởng mới tiếp tục phát huy và làm thấu đáo hơn như cải cách chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sách giáo khoa mới, tự chủ đại học", TS Minh kỳ vọng.</p> <p>Là chuyên gia về giáo dục đại học, ông Đàm Quang Minh đánh giá bước tiến mang tính chuyển đổi mạnh mẽ của lĩnh vực này đã được thể hiện trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018. Bây giờ là lúc sự chuyển đổi được thực thi, chuyển từ điều luật sang thực tiễn, do đó cần người sâu sát, bám sát việc triển khai.</p> <p>Cụ thể, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 có 2 điều quan trọng nhất là tự chủ đại học và kiểm định chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng.</p> <p>Ông Minh cho rằng tân bộ trưởng cần cố gắng đưa điều này thành hiện thực, khi đã có khung pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình triển khai thực tế vấp phải nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó, bộ trưởng mới cần am hiểu vấn đề và sâu sát, quyết liệt để khiển khai đúng với tinh thần tốt đẹp mà luật đã thể hiện.</p> <p>Những năm qua, ngành giáo dục có nhiều đổi mới theo hướng tốt hơn, nhưng cùng lúc thực hiện nhiều đổi mới quá khiến hệ thống thực thi còn dang dở nhiều.</p> <p>“Tôi nghĩ bộ trưởng cần có tinh thần kiên định cho sự đổi mới và phát triển, không vì khó khăn mà chùn bước. Ngành giáo dục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giáo dục là vấn đề của muôn nhà nhưng không phải nhà nào cũng là nhà sư phạm, nhiều vấn đề sẽ có sức ép của dư luận xã hội. Bộ trưởng cần lắng nghe sự đóng góp của nhân dân nhưng vẫn nên kiên định”, TS Minh hy vọng.</p> <h3>Sâu sát, lắng nghe ý kiến nhân dân</h3> <p>Với vai trò là giáo viên phổ thông, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nói ông không dám kỳ vọng nhiều, bởi "có quá nhiều lý do khó làm" cho người ngồi “ghế nóng” của ngành giáo dục.</p> <p>Thầy Hiếu mong bộ trưởng luôn cầu thị và biết lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện mang tính thiện chí, xây dựng của nhân dân, đội ngũ nhà giáo và nhận trách nhiệm với những vấn đề của ngành. Hơn nữa, ông mong tân bộ trưởng cẩn trọng và chắc chắn khi ban hành các văn bản pháp quy của ngành.</p> <blockquote class="quote qright"> <p>Tôi hy vọng bộ trưởng mới tiếp tục phát huy và làm thấu đáo hơn như cải cách chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sách giáo khoa mới, tự chủ đại học.</p> <p><strong>TS Đàm Quang Minh</strong></p> </blockquote> <p>Khi đưa ra chủ trương, quyết sách mới, tư lệnh ngành cần đặt mình vào vị trí của giáo viên, học sinh trong bối cảnh hiện nay. Cần có sự tham vấn rộng rãi đội ngũ nhà giáo thông qua phương tiện truyền thông. Mọi quyết sách phải xuất phát từ thực tiễn, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và mỗi địa phương để hạn chế mức thấp nhất "quyết sách trên trời, xa rời thực tiễn".</p> <p>Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), mong mỏi trong nhiệm kỳ của bộ trưởng mới, ngành giáo dục xây dựng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài, tránh chắp vá, hấp tấp, thay đổi theo kiểu “đẽo cày giữa đường” như lâu nay. Đây cũng là điều mà cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử, trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), kỳ vọng vào tân bộ trưởng.</p> <p>Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nói: “Tôi mong tân bộ trưởng đặc biệt chú trọng yếu tố con người trong giáo dục. Ngành giáo dục phải gấp rút đưa ra kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở cấp phổ thông. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại trong giáo dục".</p> <p>Tuy nhiên, cũng theo nam giáo viên này, thực tế chỉ ra rằng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở trung học phổ thông hiện nay quá yếu kém. Nếu không được bồi dưỡng đúng mức sẽ không đảm đương nổi trọng trách giáo dục trong tình hình mới.</p> <p>Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa còn dang dở, thầy Minh cho rằng cần làm triệt để hơn nữa, theo hướng tinh giản kiến thức nặng nề, hàn lâm, tăng cường thực hành, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.</p> <p>Ngành giáo dục nên giảm áp lực về thành tích, giảm gánh nặng về hồ sơ sổ sách, tạo môi trường thật sự thoải mái để thầy và trò sáng tạo, khiến mỗi giờ học thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho cả thầy và trò.</p> <p>Một vấn đề nhức nhối của giáo viên từ lâu nay nhưng chưa được đặt vấn đề quyết liệt là lương bổng, chế độ với nhà giáo. Đây là mong mỏi của toàn thể giáo viên và kỳ vọng dưới thời tân bộ trưởng sẽ có chuyển biến tích cực.</p> <div class="notebox ncenter"> <p>Ông Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966, quê ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.</p> <p>Ông Sơn từng giữ các vị trí: Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó giám đốc Thường trực rồi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội.</p> </div> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>