Hy hữu: sán lá gan chui ra từ ống dẫn lưu đường mật

Bệnh nhân được chẩn đoán u đường mật gây tắc mật và được đặt ống dẫn lưu đường mật và thật hy hữu các con sán lá gan trưởng thành chui theo ống dẫn lưu ra ngoài. Vậy cách gì phòng bệnh?

Ngày 15/8, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 57 tuổi từ Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán lá gan nhỏ.

Qua khai thác tiền sử bệnh nhân hay ăn gỏi cá, tầm một tháng nay xuất hiện tình trạng bệnh ngày càng nặng lên, mặc dù đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhânPGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua các chẩn đoán từ tuyến dưới, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp ổ bụng và phát hiện giãn đường mật trong gan và được chẩn đoán theo dõi u đường mật. Sau khi được chẩn đoán u đường mật gây tắc mật, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và đã được tiến hành đặt ống dẫn lưu đường mật.

Tuy nhiên, sau đó các bác sĩ phát hiện thấy nhiều con sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5 - 1cm chui ra theo ống dẫn lưu ra ngoài, kèm theo xét nghiệm phân thấy được trứng sán. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra tắc, nhiễm trùng đường mật, từ đó vi trùng chui vào máu gây ra nhiễm trùng máu kèm theo nên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng máu hoặc ung thư đường mật.

Sau khi được điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu thuốc diệt sán Praziquantel, truyền kháng sinh, bệnh nhân hiện đã ổn định, tỉnh táo, hết sốt, đỡ hẳn vàng da, đỡ tắc mật hơn và ống dẫn lưu không còn xuất hiện sán chui ra và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Hình ảnh sán lá gan chui ra từ ống dẫn lưu đường mật!

Hình ảnh sán lá gan chui ra từ ống dẫn lưu đường mật!

PGS Cường nhấn mạnh: Đây là một trường hợp hy hữu ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì để chẩn đoán sán lá gan nhỏ thường phát hiện khó khăn, phải nhờ vào đặt ống sonde hút dịch tá tràng để xét nghiệm mới tìm thấy trứng sán, chứ chưa bao giờ thấy có nhiều sán trưởng thành chui ra từ đường dẫn lưu mật cũng như trứng sán lá gan nhỏ phát hiện ở trong phân như vậy!

Bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tập quán sinh hoạt hay ăn gỏi cá và các thức ăn nấu chưa chín và có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sán lá gan được chia làm 2 loại chính là sán lá gan nhỏ, và sán lá gan lớn. Người bị nhiễm bệnh do sán lá gan nhỏ thường do ăn các loại cá, ốc có chứa ấu trùng sán chưa được nấu chín hay ăn gỏi cá sống ao hồ, cá nước ngọt. Sau khi ăn ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, gây tổn thương ở đường mật làm tắc giãn đường mật ở trong gan.

Còn sán lá gan lớn, người bị nhiễm bệnh thường do ăn các loại rau sống mọc ở dưới nước như (rau ngổ, rau cải xoong, rau rút, rau cần, …) có nhiễm ấu trùng sán, bệnh gây ra các tổn thương áp xe trong gan và có thể nhầm với nhiều bệnh lý của gan khác như áp xe do vi khuẩn, khối u gan hay nang gan,…

Để phòng bệnh người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại cá, ốc, các loại rau sống, rau thủy sinh chưa nấu chín,….

Thực hiện rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn cũng như uống thuốc tẩy giun sán định kỳ. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra các bác sĩ tuyến cơ sở cũng cần phải được tập huấn, lưu ý bệnh sử, tiền sử và làm thêm các xét nghiệm khẳng định sán để chẩn đoán và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Theo Đời sống
back to top