Hy hữu, phải nút mạch sau chọc tế bào tuyến giáp

Một bệnh nhân đã phải thực hiện nút mạch cầm máu sau chọc tế bào tuyến giáp. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng cần cảnh giác.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, vừa phải nút mạch cho một bệnh nhân bị chảy máu sau chọc tế bào tuyến giáp.

Theo đó, chọc tế bào tuyến giáp là phương pháp phổ biến giúp chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp. Nhờ kỹ thuật này, hàng triệu bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm. Đây là một thủ thuật đơn giản, an toàn, không cần gây tê, với kim chọc rất nhỏ. Nhưng “gần tuyệt đối an toàn” không có nghĩa là tuyệt đối.

Khối máu tụ lớn sau chọc tế bào tuyến giáp - Ảnh BSCC

Khối máu tụ lớn sau chọc tế bào tuyến giáp - Ảnh BSCC

Bệnh viện Đại học Y vừa tiếp nhận một bệnh nhân chảy máu nghiêm trọng sau chọc tế bào tuyến giáp. Một bệnh nhân sau khi chọc tế bào tuyến giáp buổi sáng, đến trưa xuất hiện căng tức vùng cổ, mệt mỏi, nhợt nhạt. Khi vào khoa Cấp cứu, chụp chiếu phát hiện khối máu tụ lớn vùng cổ kèm ổ chảy máu hoạt động ở thùy phải tuyến giáp.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay sang phòng can thiệp nút mạch cầm máu. Kết quả chụp mạch cho thấy một nhánh động mạch tuyến giáp bên phải đang chảy máu. Bệnh nhân ngay lập tức được can thiệp nút mạch cầm máu, may mắn qua khỏi tình trạng nguy hiểm.

Bài học quan trọng khi chọc tế bào tuyến giáp: Khảo sát kỹ mạch máu vùng cổ và tuyến giáp trước khi chọc; Kiểm tra xét nghiệm đông máu kỹ lưỡng; Đảm bảo bệnh nhân không bị sốt xuất huyết hoặc mới khỏi sốt xuất huyết; Chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống rủi ro.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương khuyến cáo, nếu sau chọc tế bào, xuất hiện triệu chứng sưng, căng tức cổ, đau, mệt mỏi, khó thở, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Cần biết rõ ưu nhược điểm của chọc hút tế bào

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, chọc hút tế bào nhân giáp bằng kim nhỏ là cách thức thông dụng để chẩn đoán liệu rằng 1 nhân tuyến giáp có phải là ung thư hay không. Ngoài ra nó cũng là cách để giúp chẩn đoán 1 hạch nào đó có phải là hạch di căn hay lành tính.

Khi chọc hút người ta thường dùng kim tiêm nhỏ (FNA) chọc vào khối u hoặc hạch có thể làm dưới hướng dẫn với siêu âm để lấy mẫu tế bào trong khối u hoặc hạch.

Sau khi tiến hành thủ thuật này, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi để có thể kết luận tính chất lành hay ác tính của khối u.

Điểm chảy máu sau chọc tế bào tuyến giáp - Ảnh BSCC

Điểm chảy máu sau chọc tế bào tuyến giáp - Ảnh BSCC

Ưu điểm của phương pháp

Chẩn đoán đúng đến khoảng 90% các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú

Định hướng được thể ung thư tuyến giáp để có thái độ và phương pháp phẫu thuật đúng đắn ngay từ đầu

Thời gian làm thủ thuật nhanh và cho kết quả nhanh chóng

Đánh giá được khối u lành/ ác tính trong những trường hợp siêu âm nghi ngờ

Không đau và không để lại sẹo

Nhược điểm của phương pháp

Trường hợp u to có thể không lấy trúng vị trí có tế bào ung thư

Trường hợp u quá nhỏ có thể chọc tế bào không trúng u

Những trường hợp nghi ngờ có thể cân nhắc chọc lại tế bào hoặc làm xét nghiệm sinh thiết tức thì trong mổ.

Một số ít trường hợp có thể bị đau hoặc chảy máu, tụ máu sau chọc. Do đó nếu sau chọc tế bào phát hiện vùng cổ sưng đau, nề, viêm đỏ thì cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi.

Một số trường hợp không thể khẳng định được lành hoặc ác tính qua chọc tế bào. Nhất là những trường hợp ung thư tuyến giáp thể nang, khó phân định lành ác trên tế bào học. Kể cả ung thư tuyến giáp thể nhú cũng có thể có một số trường hợp không đánh giá được.

Theo VietnamDaily
back to top