Huyết áp thấp dễ tổn thương não và tim

(khoahocdoisong.vn) - Huyết áp thấp được định nghĩa là huyết áp tâm thu <90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương <60mmHg. Bệnh lý này có thể là một tình trạng nguy hiểm vì có thể làm người bệnh dễ ngã, do đó dễ gây ra tai nạn. Ngoài ra, huyết áp thấp nghiêm trọng có thể gây tổn thương cho não và tim.

Huyết áp càng thấp tỷ lệ tử vong càng cao

Theo thống kê, tỉ lệ người mắc bệnh huyết áp thấp tại Việt Nam chiếm từ 5-7% dân số và có dấu hiệu tăng cao những năm gần đây. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký hội tim mạch học VN cho biết, độ nguy hiểm của bệnh huyết áp thấp phụ thuộc vào thể trạng, tình trạng bệnh và nhiều yếu tố khác. Những người có huyết áp càng thấp, tỉ lệ tử vong càng cao.

Nguyên nhân của huyết áp thấp có thể do không đủ thể tích máu trong lòng mạch, cơ thể bị mất máu hoặc mất nước (bị tiêu chảy, nôn ói, ra nhiều mô hôi, không uống đủ nước…), hệ thần kinh và một số hormon trong cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường, tim co bóp yếu, mang thai, các vấn đề nội tiết như tuyến giáp không hoạt động (nhược giáp), tiểu đường hoặc lượng đường trong máu thấp (tụt đường huyết), kiệt sức do nhiệt hoặc cảm nhiệt, dùng một số loại thuốc như cao huyết áp, trầm cảm, parkinson.

Các triệu chứng sau đây có thể gặp khi huyết áp thấp và thường hỗ trợ trong việc tìm ra nguyên nhân như chóng mặt, ngất, mất tập trung, rối loạn thị giác, buồn nôn, da xanh, tay chân lạnh, thở nhanh nông, mệt mỏi, biểu hiện trầm cảm hoặc khát nước.

Các tình huống dẫn tới huyết áp thấp

Huyết áp thấp khi đứng (còn gọi là hạ huyết áp tư thế). Tình huống này thường gây ra do mất nước, nằm trên giường lâu ngày, đang mang thai, bỏng, ở trong môi trường quá nóng, đái tháo đường, giãn tĩnh mạch nặng, bệnh tim, các rối loạn thần kinh hoặc do thuốc; Huyết áp thấp sau ăn no (còn gọi là hạ huyết áp sau ăn): Chủ yếu ở người cao tuổi, đặc biệt nếu có bệnh lý tăng huyết áp hoặc bệnh Parkinson kèm theo; Huyết áp thấp qua trung gian thần kinh: Thường gặp ở người trẻ, khi bệnh nhân đứng khá lâu; Hội chứng Shy-Drager: Gây ra do thương tổn tiến triển của hệ thần kinh tự chủ, đặc trưng của hội chứng này là tụt huyết áp khi đứng nhưng khi nằm huyết áp lại tăng rất cao, đi kèm với run cơ, vận động chậm, rối loạn vận ngôn và tiêu tiểu không tự chủ.

Người bị tụt huyết áp nhiều lần khiến hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và ôxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận…gây tổn thương các cơ quan này. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%. Người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang di chuyển, làm việc ở trên cao. Huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Tự điều chỉnh huyết áp

Khi mới phát hiện huyết áp thấp ta có thể tự điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt tại nhà. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, ở mức độ nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể tự chữa bằng cách ăn uống đa dạng, bổ sung chất đạm, chất xơ, chất khoáng và thực phẩm tốt cho tim mạch như ngũ cốc, dầu thực vật, nước ép trái cây. Nên tạo thói quen sinh hoạt điều độ, đúng giờ, luyện tập thể dục đều đặn, thường xuyên.

Có thể tham gia các môn thể thao như đi bộ, đánh cầu lông, tập yoga hoặc chơi tennis để cơ thể luôn khoẻ mạnh, dẻo dai. Nên hạn chế các hoạt động quá mạnh dẫn đến việc đổ nhiều mồ hôi, mất nước hoặc ngồi yên một chỗ quá lâu dẫn đến trạng thái choáng, chóng mặt do thay đổi huyết áp đột ngột. Khi huyết áp xuống thấp nên ăn mặn hơn, uống nhiều nước hơn, mang tất tĩnh mạch, giảm uống rượu bia, ăn nhiều bữa nhỏ ít tinh bột, nếu cần thiết các bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc.

Theo Đời sống
back to top