Huy động vốn giảm mạnh, ngân hàng "ngập ngừng" với lãi suất

(khoahocdoisong.vn) - Lãi suất tiết kiệm tiền đồng tại các ngân hàng (NH) đã giảm khoảng 1,5 - 2,5%/năm và ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chính vì mức lãi suất huy động thấp, lượng tiền gửi tại một số NH thời gian qua cũng sụt giảm. Kèm theo đó, những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng chậm lại.

Lãi thấp, huy động giảm theo 

Trong tháng 8/2021, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm thêm 0,1 - 0,2%/năm. Đơn cử ngày 16/8, SHB giảm lãi suất tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,5 - 3,6%/năm; 3 tháng còn 3,65 - 3,75%/năm; 6 tháng từ 5,3 - 5,4%/năm và 12 tháng từ 5,9 - 6%/năm...; lãi suất tiết kiệm tiền đồng tại Techcombank kỳ hạn 1 tháng còn 2,3 - 3%/năm, tùy số tiền gửi; 3 tháng từ 2,5 - 3,2%/năm; 6 tháng từ 3,7 - 4,8%/năm và 12 tháng còn 4,2 - 5,3%/năm...; SCB - ngân hàng luôn nằm trong nhóm có lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất thị trường - cũng giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn xuống còn 3,85%/năm loại 1 tháng; 3 tháng là 3,85%/năm; 4 tháng là 3,9%/năm, 5 tháng là 3,95%/năm...

Nếu lấy mốc thời gian 1 năm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng của các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 - 2,5%/năm và ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Do lãi suất huy động thấp, lượng tiền gửi tại một số ngân hàng thời gian qua cũng sụt giảm. Như ABBANK giảm 7,4% so với đầu năm, SeABank giảm 4,7%, NCB giảm 4,4%... Vào giữa tháng 7/2021, hàng loạt ngân hàng được điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên cao hơn khi thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Nhu cầu vốn tăng lên nhưng huy động lại tăng chậm hơn.

Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6 là 12,64 triệu tỷ đồng, tăng 4,43% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5,111 triệu tỷ đồng, tăng 4,78%, còn tiền gửi của dân cư là 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%. Tính các tháng kể từ đầu năm đến nay, tiền gửi dân cư tháng 1 trong hệ thống tổ chức tín dụng giảm hơn 16.500 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng đột biến vào tháng 2 thêm hơn 111.300 tỷ đồng. Thế nhưng, qua tháng 3 lại giảm 13.365 tỷ đồng và từ tháng 4 - 6 tăng từ 11.000 - 17.000 tỷ đồng/tháng. Trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế âm vào 2 tháng đầu năm thì những tháng sau đó liên tục tăng nhanh.

Một lãnh đạo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh tạm thời dừng lại, thu nhập của người dân sụt giảm, huy động vốn tăng chậm nhưng thực tế nguồn vốn của nhiều ngân hàng vẫn dư thừa. Bởi không phải ai cũng mang tiền đi đầu tư. Phần lớn khách hàng có tiền nhàn rỗi vẫn đem gửi ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng đều thận trọng khi xem xét cho vay, vì vậy mà dư nợ tín dụng tăng khá chậm. Thời gian tới, ngân hàng có thể tính đến việc giảm thêm lãi suất tiền gửi, qua đó kéo lãi suất cho vay giảm theo nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Dòng vốn chảy vào ngân hàng chậm lại một phần do lãi suất thấp. Ảnh minh họa.
Dòng vốn chảy vào ngân hàng chậm lại một phần do lãi suất thấp. Ảnh minh họa.

Tiền "chạy" sang chứng khoán

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dẫn số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản đầu tư chứng khoán. Số liệu này vượt xa mức kỷ lục của năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).

"Điều này là hợp lý khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, trong khi mức sinh lời hấp dẫn của thị trường chứng khoán thời gian qua là không thể phủ nhận" - các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại xác nhận có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang chứng khoán, trong bối cảnh kênh đầu tư này đang bùng nổ, thu hút dòng tiền và nhà đầu tư kỳ vọng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn so với gửi tiết kiệm. Phần khác là do dịch Covid-19 kéo dài khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiền gửi tiết kiệm cũng ít hơn. Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào nên nhu cầu huy động vốn cũng không cao, trong khi các ngân hàng phải tiếp tục cắt giảm chi phí để phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.

Còn ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, đầu ra cũng hết sức khó khăn. Thế nhưng, ngân hàng cần phải cân nhắc kỹ việc có hạ thêm lãi suất hay không. Vì hiện nay, lãi suất tiền gửi đã thấp lắm rồi, nếu giảm thêm thì người dân có thể chuyển dịch tiền qua các kênh đầu tư khác. Còn nếu tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền gửi thì nguồn vốn huy động sẽ tăng lên nhưng do đầu ra bị hạn chế, ngân hàng cũng sẽ rơi vào thế khó.

Theo một chuyên gia tài chính, các ngân hàng sẽ còn gặp khó trong việc huy động vốn từ khu vực dân cư, bởi sẽ có nhiều người rút tiền để trang trải cuộc sống. Đồng thời, một số người trong giai đoạn giãn cách ở nhà có thể chuyển tiền vào đầu tư chứng khoán. Trường hợp dịch được khống chế vào cuối tháng 9, huy động vốn của ngân hàng sẽ lạc quan hơn, còn không sẽ tiếp tục suy giảm đến quý 4. Do đó, khả năng lãi suất huy động tiền đồng tăng lên để giữ nguồn tiền là có thể xảy ra.

Một yếu tố khác sẽ tác động lên mặt bằng huy động vốn của các ngân hàng trong thời gian tới là quy định từ ngày 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh giảm từ mức 40% xuống còn 37%. Điều này đòi hỏi các ngân hàng tăng cường vốn huy động trung dài hạn nhiều hơn, trong khi hầu hết các cá nhân gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Vì thế, có thể lãi suất huy động trung dài hạn tăng lên 0,5 - 1%/năm trong thời gian tới, tạo thành đường cong lãi suất đủ để hấp dẫn thu hút nguồn tiền gửi trung dài hạn, giúp các ngân hàng tăng huy động vốn. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động có thể dẫn đến chi phí huy động tăng, điều này có thể đi ngược lại chủ trương đang giảm lãi suất cho vay hiện nay.

Theo Đời sống
back to top