Theo đó, tỉnh Hưng Yên đã kiến nghị một số nội dung, trong đó có kiến nghị dừng giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp (KCN) Tân Dân và Lý Thường Kiệt.
Căn cứ trên đề nghị này, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn các nhà đầu tư mới thay thế VIDIFI làm chủ đầu tư hai KCN.
Nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ kinh phí VIDIFI đã đầu tư vào 02 KCN Tân Dân và Lý Thường Kiệt.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ KHĐT, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), VIDIFI và các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) báo cáo, đánh giá toàn diện về Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bên cạnh đó, các cơ quan nêu trên cũng đánh giá lại tình hình hoạt động kinh doanh của VIDIFI, việc triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến. Phương án tài chính và cơ chế tài chính của Dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Xác định các khoản chi phí VIDIFI đã đầu tư cho các dự án.
Trên cơ sở đó, thống nhất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2022. Mục tiêu đánh giá lại này là "nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không gây lãng phí nguồn lực đất đai” - thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu.
Được biết, trước đây Chính phủ đã đồng ý có cho VIDIFI cơ chế sử dụng một số diện tích đất để làm khu công nghiệp, khu đô thị để thu hồi vốn làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Các diện tích dự kiến được bố trí nằm trên các địa bàn các tỉnh có dự án, khá gần khu vực cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua. Căn cứ trên cơ sở cơ chế này, VIDIFI đã tiến hành lựa chọn địa điểm và hiệp thương, triển khai thủ tục với các địa phương. Trong đó có Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, và thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, sau khi cao tốc hoàn thành, việc triển khai trả đất cho VIDIFI không có tiến triển. Đến nay, doanh nghiệp này chưa được hoàn trả đủ tiền đã đầu tư vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Và cũng chưa được bàn giao các dự án bất động sản nhằm kinh doanh thu hồi vốn.
Nguồn thu của VIDIFI hiện đến từ doanh thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5A. Trong khi nợ vay ngân hàng (chủ yếu từ VDB) rất lớn, thu không đủ trả lãi.
Hiện, chưa rõ Hưng Yên đã tìm được nhà đầu tư sẵn sàng "trả lại vốn đã đầu tư cho VIDIFI" từ hơn chục năm trước vào 2 dự án KCN Tân Dân và Lý Thường Kiệt ?
Khoa học và Đời sống sẽ tìm hiểu và thông tin về nhà đầu tư tiềm năng này.